Thông tin trên được công bố tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8, tại TP Cần Thơ.
Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết quý I, kinh tế thế giới biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức 450 USD mỗi tấn, có thời điểm vượt giá gạo Thái Lan cùng chủng loại. Sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng trong khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Ần Độ, Pakistan hạn chế. Gạo 5% tấm của Việt Nam khi đó tăng lên 535 USD mỗi tấn vào tháng 5.
Ông cho biết thêm, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) dẫn đến giá gạo xuất khẩu của các nước càng tăng mạnh. Gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD mỗi tấn so với thời điểm trước lệnh cấm của Ấn Độ. Đầu tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 590 USD mỗi tấn, cao nhất 11 năm và tăng khoảng 80 USD mỗi tấn so tháng trước.
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Bích Huyền - đại diện Công ty Ngọc Hoa ở Cần Thơ cho biết trong một tuần, mỗi kg lúa, công ty mua trong dân từ 6.800 đồng tăng lên 7.400 đồng, ký hợp đồng xuất khẩu 620-660 USD mỗi tấn gạo, cao nhất từ 2008 đến nay (năm 2008, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vọt lên 1.000 USD).
Giá gạo các loại bán lẻ trong nước cũng tăng 850-940 đồng mỗi kg so tháng trước. Còn so cùng kỳ năm ngoái, giá gạo các loại hiện tăng 2.400-3.400 đồng mỗi kg (giá lúa tăng 1.300-1.900 đồng).
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Huyền, việc tăng giá này lại khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó. Bởi nó ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các hợp đồng đã ký và có nguy cơ thua lỗ rất lớn.
"Hàng ngày, người nông dân yêu cầu tăng giá trong khi hợp đồng xuất khẩu không thể điều chỉnh. Vì thế, doanh nghiệp muốn đáp ứng được đơn hàng xuất cũ phải chịu lỗ", bà Huyền nói và kiến nghị các bộ ngành liên quan cần có quy định giá sàn thu mua lúa và kéo giãn thời gian xuất khẩu để các nhà xuất khẩu kịp chuẩn bị, cung ứng.
Cho rằng việc liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu còn lỏng lẻo, yếu kém, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hiện 50% sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua qua thương lái; hơn 12% người dân bán trực tiếp và trên 37% còn lại qua các hợp tác xã.
"Giải pháp cốt yếu để đảm bảo việc thu mua, xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ký liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa để đảm bảo vùng nguyên liệu", ông Nam nói.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đúng định hướng, gia tăng giá trị với các chủng loại gồm: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp...
Trong số này, thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo). Đến đầu tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa (riêng miền Tây 15 triệu tấn). Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt Thái Lan, đứng thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ. Đến nay, số lượng gạo xuất khẩu còn lại theo kế hoạch là 2,2 triệu tấn, hoàn toàn trong khả năng.
"Chất lượng gạo Việt Nam đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường trên thế giới. Nhu cầu gạo toàn cầu từ nay đến cuối năm còn rất lớn", ông Nam nói . Theo ông, đây là cơ hội vàng của Việt Nam về xuất khẩu gạo; là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường.
Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để mua lúa gạo dự trữ lưu thông.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng thời gian qua, việc xuất khẩu gạo đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là truyền thống, từ các nước châu Á. Các thị trường mới, tiềm năng chưa được chú trọng nhiều. Việc phát triển các vùng trồng, liên kết bốn nhà còn hạn chế.
"Thời gian tới, chúng ta cần tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, mở rộng thị trường, cũng như đảm bảo an ninh lương thực và giữ thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thới giới", Bộ trưởng Diên nói.
Ông cũng cho biết phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; theo dõi chặt diễn biến thị trường, thận trọng trong giao dịch xuất khẩu gạo để đảm bảo an toàn, tránh bị lừa đảo.
Bộ trưởng đề nghị Hiệp Hội lương thực Việt Nam làm tốt việc điều phối trong sản xuất kinh doanh lương thực, kiểm soát được chất lượng, giá cả lúa gạo. Đồng thời, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm tốt việc tái cơ cấu sản xuất, vùng trồng hiệu quả. Các địa phương chủ động xây dựng vùng sản xuất lúa gạo phù hợp, tăng cường đảm bảo giá cả lương thực, đề phòng tình trạng đầu cơ.
An Bình