Ngày 28/9, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm điều kiện áp giá sàn 490 USD một tấn. Trước đó, nước này đã giảm một nửa thuế xuất khẩu gạo basmati (loại gạo thơm hạt thon dài của Ấn Độ và nhiều nước Nam Á), về 10%. Quốc gia Nam Á này đang có nguồn cung dồi dào với dự trữ đạt 32,3 triệu tấn, tăng gần 39% so với năm trước.
Động thái trên khiến giá gạo thế giới hạ nhiệt, khi nguồn cung trên thị trường thế giới tăng lên. Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam xuống 560 USD một tấn, giảm 20 USD so với tuần trước. Tương tự, gạo Thái Lan cũng hạ về 550 USD một tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp cho rằng, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm.
Ông Đinh Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty Cỏ May, cũng nhận định giá gạo sẽ giảm nhưng khó về dưới 500 USD một tấn, vì nguồn cung trong nước không dồi dào.
Trong phiên thầu 450.000 tấn gạo của Indonesia, Việt Nam trúng 59.000 tấn với giá 548 USD một tấn, giảm 32 USD so với tuần trước. Dù giá gạo giảm, nhu cầu từ các thị trường chính như Philippines, Indonesia, và Malaysia vẫn cao, duy trì áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.
Với gạo thơm ST24, ST25, ông Tâm dự báo giá loại này khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung. Vụ mùa Thu Đông năm nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, làm năng suất giảm. Ông Tâm cho biết, giá thành sản xuất gạo ST 25 ở mức trên 32.000 đồng một kg. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp vẫn giữ giá bán lẻ quanh 30.000-31.000 đồng một kg, khiến họ gặp khó khăn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần qua giá gạo giảm và có thể tiếp tục hạ. Hiện gạo Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan và Pakistan.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 6,16 triệu tấn, thu về gần 3,85 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 625 USD một tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, Việt Nam hoàn thành 81% kế hoạch và dự kiến đạt mục tiêu xuất 7,6 triệu tấn gạo năm nay.
Thi Hà