Trong bài viết mới nhất, một fanpage mang tên Bùi Tiến Dũng đăng nội dung xin lỗi người dùng về tình huống sai sót của anh trong trận đấu với Indonesia trong khuôn khổ SEA Game 30 tối qua. "Tình huống đấy là do lỗi của tôi, từ tận đáy lòng tôi muốn gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ Việt Nam". Tuy nhiên, hình ảnh đi kèm lại là loạt ảnh chụp màn hình những tin nhắn mang tính xúc phạm của người hâm mộ gửi đến thủ môn này.
Sau 10 tiếng, bài viết đã nhận được 10 nghìn lượt thích, 3,7 nghìn bình luận và 4 nghìn lượt chia sẻ. Một lượng lớn trong số này là các bình luận mang tính động viên, đồng thời chỉ trích "antifan". Fanpage nói trên đã tăng thêm hơn 15 nghìn lượt thích chỉ sau ít giờ.
Mặc dù nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng, fanpage này lại là giả mạo, được lập ra nhằm mục đích "câu like".
Theo ông Nguyễn Thành Trung, một chuyên gia về marketing trên Facebook, đây là trò câu "like" được giới "buôn fanpage" tại Việt Nam thường xuyên sử dụng.
"Nắm được tâm lý của cộng đồng mạng sắp bàn luận nhiều về chủ đề nào đó, những người 'buôn' fanpage sẽ tạo ra những tài khoản giả mạo nhằm ‘câu like’ và tương tác. Đến khi đạt được các chỉ số nhất định, họ sẽ đổi tên và dùng để kiếm tiền từ Facebook hoặc bán cho các shop online", ông Trung cho biết. Theo ông, công thức phổ biến được sử dụng là tạo ra các nội dung gây tranh cãi nhằm tăng tương tác. Vì vậy, những nội dung mà Fanpage trên đăng tải là thông tin giả, do những người "buôn" fanpage tạo ra để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Thực tế, fanpage trên mới được lập vào ngày 1/12. Bài viết đầu tiên được đăng lúc 19h41, khi đội tuyển Việt Nam vẫn đang thi đấu.
Trong khi đó, thủ môn Bùi Tiến Dũng thường chia sẻ trên trang Facebook cá nhân có tên "Dũng Bùi Tiến" đã được Facebook cấp "tick xanh" xác thực. Trong bài viết mới nhất của mình, anh chia sẻ: "Kết thúc một trận đấu khó khăn. Thật hạnh phúc khi chúng ta đã đoàn kết để cùng vượt qua. Tôi sai đã có các bạn sửa. Chúng ta sẽ cố gắng vì một lá cờ trên ngực. Xin cảm ơn tất cả mọi người", đồng thời "tag" tên các cầu thủ trong đội tuyển.
Theo ông Trung, người dùng nên tỉnh táo trước mỗi lượt chia sẻ của mình trên mạng xã hội bởi sẽ tiếp tay cho các hành vi xấu, nhằm trục lợi của chủ fanpage. Việc chia sẻ fanpage giả với nội dung bịa đặt có thể tạo nên những luồng thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến người bị mạo danh. Hành vi giả người khác trên mạng cũng có thể bị phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài thủ môn Bùi Tiến Dũng, nhiều tuyển thủ khác của đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... cũng bị sử dụng tên và hình ảnh để tạo ra những tài khoản "rởm".
Đây không phải là lần đầu tiên các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam trở thành "miếng mồi" cho những người kinh doanh fanpage. Hồi đầu năm 2018, ngay sau chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Qatar tại Vòng chung kết U23 châu Á, đã có tới 200 tài khoản Facebook giả mạo các cầu thủ U23 Việt Nam được tạo mới nhằm thu hút lượt theo dõi.
Lưu Quý