Nguyễn Cẩm Ly, du khách Hà Nội, du lịch châu Âu 12 ngày. Cô nhập cảnh từ 8/7 và đang ở Nice, Pháp. Việc tỷ giá euro sụt mạnh, lần đầu xuống ngang giá USD trong 20 năm, và cũng giảm mạnh so với VND, giúp cô chi tiêu thoải mái hơn.
Theo tỷ giá của các ngân hàng Việt Nam, để mua một euro hiện chỉ cần khoảng 23.000 đồng, so với mức 27.000 hồi đầu năm.
"Giá euro giảm có lợi cho mình trong chuyến đi này vì mình mua euro bằng tiền Việt ở Việt Nam trước khi đi. Thậm chí mình còn tranh thủ mua thêm 4.000 euro để dành cho chuyến sau", Ly nói.
Một suất mì ở Italy có giá quy đổi khoảng 21 USD vào năm ngoái, hiện tại chỉ còn 17 USD. Mỹ phẩm, quần áo hàng hiệu, đang rẻ hơn đáng kể bởi chúng được niêm yết giá bằng euro. Những người mang USD vào chi tiêu ở châu Âu đang được lợi khoảng 10% so với hồi mùa xuân.
Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Công ty Du lịch ANZ Việt Nam, đánh giá đây là thời điểm thích hợp để du lịch châu Âu. "Khách đổi tiền Việt sang euro được nhiều hơn trước nên mua sắm, ăn tiêu thoải mái hơn khi du lịch", bà Hằng nói.
Người Việt đi du lịch thường mang cả tiền của nước đến lẫn USD để dự phòng. Việc mang USD theo khi đi châu Âu lúc này có lợi cho du khách, đại diện hãng lữ hành Flamingo Redtours phân tích.
Giá tour trọn gói bán ở Việt Nam được niêm yết bằng tiền đồng, tuy nhiên hiện nay giá chưa giảm, do các dịch vụ đã được tính toán và chào bán từ trước. "Phải qua một loạt tour kéo dài 6 tháng mới tính tiếp để có thể điều chỉnh", bà Hằng của ANZ cho biết. Tương tự, giá tour của các hãng khác trong đó có Redtours cũng chưa thay đổi.
Tuy nhiên, đi châu Âu thời gian này dễ gặp tình trạng đông đúc của mùa cao điểm khiến giá phòng lên cao, hoặc quá tải ở các sân bay làm du khách vạ vật chờ đợi.
Trung Nghĩa