Thứ tư, 1/5/2024
Thứ tư, 28/6/2023, 15:12 (GMT+7)

Gia đình trồng vườn dưa 'không đụng hàng' trên sân thượng

TP HCMAnh Hồng tự chế các thùng bán thủy canh, bón trứng, sữa, mật mía, để tạo ra những quả dưa ngon đẹp.

Khi xây nhà cách đây 10 năm, anh Đồng Văn Hồng, 51 tuổi, ở quận Bình Thạnh, thiết kế một mảnh vườn 50 m2 trên sân thượng tầng 5 để trồng rau, dưa và một số cây ăn trái. Trong đó, anh Hồng dành 30 m2 cho đam mê trồng dưa lưới.

Anh cho biết trước đó trồng trong thùng xốp hoặc các loại chậu ghép nhựa, nhìn vườn không đẹp, dưa cũng không đạt chất lượng cao vì đất và dinh dưỡng không đủ, nắng nóng nhanh hết nước, mưa nhiều bị úng thối rễ.

Năm 2020 khi Covid-19 có điều kiện ở nhà, anh Hồng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho khu vườn. Anh mua thùng sơn về, chế thành các thùng bán thủy canh để trồng dưa.

Đầu năm nay, anh tiếp tục nâng cấp chậu trồng bằng loại thùng đựng bơ có thẩm mỹ và chất lượng hơn hẳn thùng sơn. Thùng được dán cách nhiệt và cải tiến với ba bộ phận chính: hai thùng xếp chồng lên nhau, trong đó thùng dưới đựng nước, thùng trên đựng đất. Một ống phi 34 chứa que báo nước, giúp dễ dàng nhận biết mực nước còn hay hết, đồng thời có thể thêm chất dinh dưỡng vào nước thông qua ống phi 34 này, giúp rễ dễ dàng hấp thu. Một hệ thống thoát nước gắn bên ngoài thùng, khi nước bên trong chạm vạch này sẽ thoát ra ngoài, tránh tình trạng thối úng rễ.

Chi phí cho một chiếc chậu chưa đến 100.000 đồng.

Từ lúc có các thùng này vườn ngăn nắp, gọn gàng, cây luôn đủ nước và dinh dưỡng. Gia chủ không phải lo nếu đi vắng vài ngày.

Bán thủy canh là một phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật trồng thổ canh truyền thống với thủy canh. Theo đó cây vẫn được gieo trồng dưới đất và có sử dụng thêm dung dịch thủy canh nhằm cung cấp những dưỡng chất cần thiết.

"Có nhiều phương pháp trồng dưa lưới và tôi đều đã thử nghiệm hết. Trong tất cả tôi thấy phương pháp này hiệu quả nhất với gia đình", anh Hồng chia sẻ.

Dưa được trồng hoàn toàn hữu cơ. Gia đình tận dụng rác thải nhà bếp ngâm ủ để tưới vườn, tự bắt hoặc ngâm chế phẩm sinh học trong trường hợp có sâu bọ.

Trung bình mỗi năm gia đình thu ba vụ dưa, mỗi vụ hơn một tạ. Để có vườn dưa cán đích thành công, anh Hồng còn bỏ nhiều công sức. Mỗi ngày anh lên vườn 3 tiếng chăm sóc, dọn dẹp cho sạch đẹp. Vào kỳ dưa ra hoa, anh lên vườn từ 5h30 để thụ phấn cho cây.

Thông thường dưa sẽ trổ hoa trong khoảng một tuần. "Những ngày đó tôi sẽ lựa các bông nào bung nở đẹp nhất trong khung từ 7-9 giờ sáng để thụ phấn vì sẽ dễ đậu quả nhất", anh nói.

Mỗi cây sẽ thụ phấn khoảng 5-6 bông hoa. Chủ vườn nuôi cho đến khi trái to cỡ quả chanh sẽ lựa một trái đẹp, khỏe nhất để giữ lại, còn lại vặt bỏ hết.

Với anh Hồng, vất vả mà vui nhất là giai đoạn khắc chữ lên dưa vào mỗi mùa Tết. Cách thời điểm thu hoạch 15-20 ngày, anh sẽ tự tay khắc các chữ Phúc, Lộc, Thọ, mỗi chữ mất khoảng 1,5 tiếng. "Tôi phải bắc thang đến từng trái, khắc cẩn thận. Nhiều khi chăm chú làm, ngước lên hoa mắt chóng mặt suýt ngã, nhưng vui", anh kể.

Qua thời gian vết khắc giống như vết sẹo lồi nhìn đẹp hơn hẳn dưa ép khuôn hoặc chạy máy CNC trên thị trường. "Tôi luôn tìm tòi độc lạ, nên chậu hay dưa của tôi hầu như không đụng hàng", anh nói thêm.

Gia đình thường trồng dưa huỳnh long, một giống dưa lưới cao cấp, được đánh giá ngon nhất nhì trong các giống đang được trồng ở Việt Nam. Mỗi mùa thu hoạch, vườn thu hút bạn bè tới tham quan. Dịp Tết vừa rồi, gia đình thu gần trăm quả.

Còn một tháng nữa gia đình sẽ được thu hoạch vụ dưa thứ hai của năm nay và theo anh Hồng, hầu hết quả đã có chủ.

Trong hình là một chữ Phúc được khắc trước lúc thu hoạch 20 ngày. Sau khi hái xuống, anh Hồng cùng vợ con sẽ tô màu đỏ cho chữ thêm đẹp.

Những quả dưa ngoài để phục vụ gia đình, còn là món quà "của nhà trồng được" mà vợ chồng anh Hồng dành tặng cho bạn bè, người thân, cấp trên.

"Món quà không đụng hàng, là công sức và nuôi trồng bằng những gì tốt nhất, nên mọi người rất trân quý. Nhận các lời khen thực sự là động lực để tôi tiếp tục những mùa dưa tới", anh Đồng Văn Hồng nói.

Phan Dương
Ảnh: NVCC