Chị Linh bức xúc nói: "Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, hơn nữa thời tiết giao mùa thế này là điều kiện lý tưởng cho các bệnh hô hấp, lây nhiễm nên tôi không muốn cháu chơi ngoài trời. Ở nhà cũng nhiều sách báo, trò chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ, cứ gì phải lăn ra đường. Chồng có biết rõ cơ thể của trẻ, chăm sóc nó ngày đêm như mẹ đâu mà hiểu, chỉ chiều theo sở thích của con". Chị Linh cho biết thêm lý do thứ hai khiến chị không muốn con nghịch bẩn vì công việc cũng khá bận rộn, đi làm về là cắm mặt lo việc nhà, chăm con. Bao nhiêu công việc như thế khiến chị chẳng có thời gian thư giãn huống gì phải è cổ giặt giũ quần áo lấm bẩn bùn đất rồi màu vẽ của cu Bin.
Trái với suy nghĩ của vợ, anh Hải giải thích nếu lúc nào cũng lo con ốm mà không cho bé vui chơi với thiên nhiên là một thiệt thòi lớn. Theo anh, thay vì bắt con ru rú ở nhà tìm hiểu các loại cây, con vật qua sách báo, TV thì bố mẹ nên cố gắng đưa bé đi dã ngoại, về nông thôn trực tiếp sờ con bò, con bê; đào đất tìm giun; thậm chí nằm vật xuống đất ngắm trời đất, cảm nhận vạn vật tuyệt đẹp thế nào. "Bố mẹ dạy con cách chơi đúng cách thì dù bé có lấm lem nhưng vệ sinh sạch sẽ cũng hạn chế vi khuẩn, nâng cao sức đề kháng. Điều quan trọng là con mình được thoải mái khám phá thế giới qua màu sắc, âm thanh, thậm chí trên những vết bẩn, giúp tuổi thơ thêm ý nghĩa", anh Hải nói thêm.
Không đến mức căng thẳng như gia đình anh Hải, chị Linh nhưng chị Nguyệt ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng khốn đốn khi tìm cách "đả thông tư tưởng" bà nội bé Mun lý do tại sao cứ đến cuối tuần mặt mũi, quần áo cô cháu gái cưng lại bẩn thỉu, toàn cỏ, đất. Chị Linh kể trước khi sinh con, vợ chồng chị cùng thống nhất quan điểm sẽ tạo cho bé mọi cơ hội được vui chơi, hoạt động ngoài trời như tuổi thơ của mình. Do đó, từ lúc con chập chững biết đi, hàng tuần chị đều đưa con đến công viên gần nhà ngoài chơi xích đu, cầu trượt còn lăn lê bãi cỏ. Con lớn hơn một chút, vợ chồng chị còn dạy bé cách đào giun, bắt châu chấu... "Không biết có phải do được tiếp xúc với thiên nhiên nhiều mà con tôi trộm vía nhanh nhẹn, rất 'dạn' người". Tuy nhiên, mỗi lần nhìn quần áo cháu gái lấm bấm, bà nội rất không hài lòng. Nhiều lần bà bóng gió nói việc bé Mun sổ mũi, ho hắng là do bố mẹ không biết cách chăm con, để cháu nghịch bẩn, trong khi các nhà khác, đứa trẻ nào cũng mập mạp, sạch sẽ, quần áo thơm tho, ngồi ngoan ngoãn chơi đồ hàng, xem TV".
Để thuyết phục mẹ chồng hiểu cách dạy con của mình, chị Linh âm thầm tập hợp các bài báo nghiên cứu về sự phát triền của trẻ gắn với hoạt động thể chất; những điều có hại nếu trẻ chỉ thụ động chơi điện tử, xem TV... đặt lên bàn để cụ ở nhà nghiên cứu. Ngoài ra, thay vì hai vợ chồng lén lút nghĩ mọi lý do giải thích vì sao đi chơi về thi thoảng bé Mun bị nốt muỗi cắn, mặt mũi quần áo lấm lem... chị Linh chủ động mời bà đi dã ngoại cùng vào dịp cuối tuần để chứng kiến sự hào hứng của cháu gái khi được chơi cùng thiên nhiên. "Ban đầu mới nhìn thấy cháu lăn cỏ, nghịch mèo, tôi chỉ muốn ngăn nó lại nhưng sau thấy cháu vui vẻ, cười khanh khách khác hẳn với khi ở nhà ngồi chơi tha thẩn, tôi mới hiểu bé cần gì cho tuổi thơ", mẹ chồng chị Linh tâm sự.
Theo nghiên cứu "Hãy để trẻ tự do vui chơi" do hai giáo sư, tiến sĩ Jerome Singer và Dorothy G.Singer thuộc khoa Tâm lý của trường Đại học Yale - Mỹ thực hiện tại 11 quốc gia bao gồm Mỹ, Argentina, Brazil, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Phi và Việt Nam, 91% các bà mẹ Việt Nam tiết lộ rằng phần lớn thời gian của con họ gắn liền với chiếc TV (trong khi tỷ lệ này với các bà mẹ trên toàn thế giới là 71%). Chỉ 4% cho biết con mình có tham gia vào các trò chơi vận động (so với 22% các bà mẹ trên toàn thế giới). Tất cả các hoạt động ngoài trời khác như khám phá thiên nhiên, chơi các trò chơi tưởng tượng, sáng tạo cũng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp: từ 5-6%.
Khảo sát này thực hiện bằng hình thức đối thoại trực tiếp đã được tiến hành với 1.650 bà mẹ có con dưới 12 tuổi về quan điểm của họ đối với vấn đề "tự do vui chơi" của con mình. Nghiên cứu cũng đã thống kê 63% các bà mẹ Việt Nam cho biết hoạt động chủ yếu của con họ hằng ngày là học ở trường, học thêm và làm bài tập ở nhà. 70% trong số họ cho rằng: Tuổi thơ đúng nghĩa như thời họ từng biết với các trò chơi rượt bắt, trốn tìm, chơi nặn đất sét, đào đất bắt dế, trồng cây... đã qua rồi. Trong khi đó, phần lớn các bà mẹ đều hướng con mình vào game, máy tính, hay vào những hoạt động "buộc" trẻ ngồi lì trong nhà, tách biệt trẻ ra khỏi những hoạt động thể chất, những trải nghiệm thực tế, kể cả sự linh hoạt, sáng tạo trong xử lý tình huống và giao tiếp với bạn bè.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Trưởng bộ môn tâm lý ứng dụng, Đại học Sư Phạm TP HCM, Hội viên Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP HCM, việc giữ cho con sạch sẽ, an toàn là cần thiết nhưng bằng cách để trẻ trong nhà, không đưa bé ra ngoài sẽ làm hạn chế sự phát triển các kỹ năng sống của trẻ như kỹ năng khám phá thế giới xung quanh và kỹ năng giao tiếp xã hội.
"Việc tự do vui chơi, tự do sáng tạo thúc đầy sự phát triển của trẻ trên nhiều phương diện. Theo đó, vui chơi tự do giúp trẻ tiếp cận rộng rãi với thế giới bên ngoài và đối diện với nhiều tình huống thực tế làm cho trí tưởng tượng phong phú hơn, khả năng tư duy sẽ nhanh nhạy hơn, sự tinh tế khi quan sát thế giới và độ nhạy cảm của cảm xúc gia tăng… Ngoài ra vui chơi còn giúp trẻ bộc lộ cá tính và khả năng của bản thân. Nhờ vậy cha mẹ có thể nhận biết và giúp trẻ phát triển, hoàn thiện nhân cách thuận lợi hơn", tiến sĩ Bích Hồng cho biết thêm.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Bích Hồng, ông Nguyễn Minh Tiến, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP HCM, Chi hội trưởng Chi hội Trăng non cho rằng việc trẻ chơi đùa một cách thích thú, sẽ là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực. Tuy nhiên, ngày nay phụ huynh thường bận bịu, không có thời gian đưa trẻ ra ngoài; mệt mỏi với công việc, không còn sức lực và hứng thú để ra ngoài với trẻ. Thậm chí, nhiều người còn e ngại những tác động xấu từ bên ngoài như xe cộ đông đúc gây nguy hiểm, không khí bụi bặm, ô nhiễm không tốt cho sức khỏe; thiếu các tụ điểm vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ (công viên còn ít ỏi, có nhiều hiện tượng tiêu cực; trung tâm giải trí đắt tiền…).
Tuy nhiên, cha mẹ có thể cân bằng việc giúp con vui chơi và giữ gìn sức khỏe bằng cách lựa chọn khu vực vui chơi lành mạnh và khuyến khích trẻ ra ngoài vui chơi tự nhiên đồng thời hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc, bảo vệ bản thân; luôn chú ý quan sát để kịp thời phát hiện những bất trắc, trở ngại và hướng dẫn trẻ phòng tránh và chơi đùa an toàn. Ngoài ra, việc vui chơi của bé sẽ càng thú vị hơn nếu cha mẹ cùng khám phá thế giới xung quanh với con. Trẻ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ và cha mẹ có cơ hội gần gũi, gắn bó để uốn nắn, sửa đổi và giáo dục con tốt hơn.
Phương Thảo