Sau bài viết "Ảo mộng của người Việt về 'miền đất hứa' Anh", độc giả David Nguyen chia sẻ câu chuyện xảy ra tại chính quê hương, gia đình mình:
Cha mẹ và tất cả người thân của tôi sống ở Hải Phòng. Tôi đã nhiều lần về quê và biết rằng có nhiều người đi Anh trồng cần sa, nhà tôi cũng có người đi.
Có gia đình đi đến vài người. Nhiều người giàu lên vì kiếm được, nhưng cũng có người bị bắt rồi phải hồi hương và nghèo luôn, có người mất mạng, có người bị thay đổi bản chất. Những đồng tiền này đã làm hỏng cả gia đình.
Thật tiếc thay có nhiều cha mẹ lại cổ súy cho con cái đi, và thêm nữa họ lại cho rằng đồng tiền này đã làm cho họ phát triển. Mong rằng những suy nghĩ này sẽ bị xoá bỏ để người Việt Nam tập trung xây dựng đất nước bằng sự lao động chân chính.
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Hà Thịnh chia sẻ:
Ở quê tôi cũng có tình trạng gần như vậy, chỉ khác là mọi người đi Trung Quốc. Chi phí đi thấp, dễ đi, rào cản lỏng lẻo... (quê tôi ở miền Bắc, đi xe đường bộ là lên cửa khẩu).
Cả làng tôi, từ khoảng 5 năm nay, trẻ con học đến lớp 9 là mang tư tưởng bỏ học, đi Trung Quốc làm. Họ làm công nhân trong những nhà xưởng ở Quảng Châu. Không ra ngoài, không đi lại, chỉ ở trong một nhà, vừa ăn ngủ, vừa làm việc. Ngoài ngủ chỉ có làm. Lương tháng tầm 15-20 triệu đồng. Nhà hai đứa con đi, hai vợ chồng đi, thậm chí đóng cửa nhà để cả bố mẹ con cái đều đi. Vài năm thì về xây cái nhà mấy tầng to bổ chảng, rồi lại đóng cửa đi tiếp. Thêm vài năm cầm cục vốn thật to rồi về sống ở nhà nhàn nhã qua ngày.
Tôi thấy họ không coi đó là khổ. Họ tự hào lắm. Tết thì họ được về, họ mua dàn karaoke hát hò ầm ĩ, đi khoe khắp nơi, họ rất dè bỉu những gia đình cho con đi học đại học như gia đình tôi.
Tôi cảm thấy sự việc vừa xảy ra ở Anh là quá đau thương. Nhưng đó cũng là một "tiếng gọi". "Tiếng gọi" ấy làm người làm cha, làm mẹ biết giật mình, biết lo sợ trước những nguy cơ. Những rao giảng lý thuyết, rằng cuộc sống ấy không phải cuộc sống của con người, nó không đánh động được lòng người cháy bỏng bởi đồng tiền đâu. Dẫu rằng bố mẹ nào cũng thương con đấy, nhưng sự hiểu biết của họ chưa đủ để làm họ hiểu rằng lao động có ích đúng pháp luật, tạo ra giá trị xã hội mới là cuộc sống.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.