Con càng lớn, càng đẹp, nỗi bực tức, ngờ vực trong lòng anh Chiến (Sóc Sơn, Hà Nội) càng lớn. Mỗi lần nghe bạn bè, người làng châm chọc "thằng cu này chả có nét nào của bố", "bố cú mà kiếm được con công"... anh càng hậm hực. Một lần, nghe chồng lại nói những lời bóng gió ghen tuông, vợ anh Chiến òa khóc, đòi đưa con đi xét nghiệm ADN để minh oan.
"Hôm đến nhận kết quả, khi biết mình và con trai thực sự có quan hệ huyết thống, anh Chiến cũng không hề vui, hết nhìn tờ xác nhận rồi nhìn vợ, khiến người vợ bật khóc ngay tại trung tâm vì biết chồng vẫn chưa hết ngờ vực", thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội), kể lại.
Bà Nga cho biết, đây là một trong số không hiếm ca người vợ bị ngờ oan chỉ vì con sinh ra không giống chồng mình. Đa phần, kết quả ADN có thể hóa giải sự nghi ngờ, nhưng anh Chiến, có thể vì sự tự ti quá lớn, nên thậm chí còn ngờ vực vợ "đi đêm" với trung tâm xét nghiệm để làm sai kết quả.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, chính anh lại tìm gặp chuyên gia để xin lỗi: Hóa ra sự việc liên quan tới bí mật của mẹ anh. Thấy con cầm kết quả ADN nhưng vẫn dằn vặt vợ, bà đã kể cho Chiến nghe bí mật chôn giấu bấy lâu: anh là kết quả mối tình của bà với một người đàn ông đẹp trai. Tuy nhiên, gia đình bà lại ngăn cấm và ép gả cho người khác ở làng xa. Chiến ra đời không ngờ lại có vẻ giống 'bố hờ' nên bà không bị ai nghi ngờ. Lúc có cháu nội, bà thấy thằng bé giống người bạn trai năm xưa nhưng không dám nói cho Chiến biết, cho tới khi thấy anh ngày càng mù quáng vì ghen tuông, nghi ngờ.
Ngược lại với tình huống của anh Chiến, anh Văn Nhiệm (Hưng Yên) lại mừng tủi khi thấy con trai khác hẳn mình: Anh thư sinh, các đường nét khuôn mặt thanh tú trong khi con lại da ngăm, mũi tẹt, trán dô. "Thằng bé giống hệt bố tôi. Tôi hy vọng kết quả xét nghiệm của mình có thể giải nỗi oan của mẹ bao năm", anh Nhiệm chia sẻ khi đưa con tới Trung tâm xét nghiệm ADN để lấy mẫu.
Khi tới nhận kết quả đúng quan hệ cha - con, anh mới kể câu chuyện về cuộc sống bị hắt hủi bao năm của mình. Mẹ anh là hoa khôi trong làng và được nhiều người theo đuổi, trong đó có một người đàn ông rất tuấn tú. Tuy nhiên, bà khước vì biết ông ta có tính hay trêu hoa ghẹo nguyệt và đồng ý lấy bố anh vì quý sự chân tình, hiền lành, chịu khó của ông.
Nhưng hạnh phúc giản dị của hai người chỉ kéo dài tới khi anh Nhiệm chào đời. Thấy con trai khôi ngô, sáng sủa, ông bố lại nghi ngờ đó không phải máu thịt của mình. Nhiều lần, ông đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí đuổi bà đi.
Sau nhiều lần bị chồng hắt hủi, miệt thị, mẹ anh Nhiệm đã bỏ làng đi, khiến người cha càng tin bà "theo giai". Ông vì thế chẳng ngó ngàng gì tới đứa con chưa đầy 5 tuổi nên vợ chồng người bác đành đưa anh về nuôi dưỡng.
"Lớn lên, tôi vừa hận vừa thương bố. Ông sống lầm lũi một mình, bị mọi người xung quanh chỉ trích. Tôi vẫn muốn một ngày nào đó làm rõ mọi chuyện nhưng chưa biết làm thế nào", anh Nhiệm kể.
Sau khi lấy vợ và có cậu con trai mà ai nhìn thấy cũng nói là giống hệt ông nội, anh dẫn con tới gặp bố mình, nhưng lại càng cay đắng khi bị ông dội gáo nước lạnh: "Chắc gì đứa trẻ này đã là con anh!".
"Tôi không thể bảo ông đi xét nghiệm cùng mình nên đành mang con tôi đến đây", anh Nhiệm bộc bạch với chuyên gia. Sau này, anh cũng gọi điện lại chia sẻ, người cha đã nhìn nhận anh và vô cùng ân hận. Ông thừa nhận vì ghen và mặc cảm bản thân xấu xí nên đã tự che mắt mình, không nhận ra rằng anh Nhiệm được thừa hưởng những nét đẹp của người mẹ. "Điều đáng tiếc là mọi việc quá trễ với mẹ tôi vì bà đã mất rồi", anh Nhiệm tâm sự với giám đốc trung tâm ADN.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, thông thường, theo tính chất di truyền, con cái thường thừa hưởng những đặc điểm về cả vẻ ngoài lẫn tính cách từ bố, mẹ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ lại chẳng giống cả hai người mà mang các nét của một người thuộc thế hệ trước. Hơn nữa, đôi khi, những người xa lạ lại có vẻ ngoài giống nhau kỳ lạ. Như câu chuyện của một gia đình suýt nhận nhầm con ở Hà Nội năm 2016 là một ví dụ.
Tới năm 40 tuổi, chị Thu Trang, từng được sinh ra tại nhà hộ sinh Ba Đình, mới biết mình đã bị trao nhầm cho bố mẹ lúc chào đời. Trong quá trình gia đình chị Trang đi tìm lại bố mẹ đẻ cho chị và con gái ruột của mình, họ suýt nhận nhầm một lần nữa.
Chuyện là, một người phụ nữ ở Đông Anh tên Đặng Thị Dần gọi điện tới gia đình bố mẹ nuôi của chị Trang kể rằng mình là người sinh cùng năm cùng tháng, cùng nơi với chị Trang, đồng thời không hề giống ai trong nhà. Khi gia đình chị Dần và chị Trang gặp nhau, ai cũng kinh ngạc vì chị Trang giống như giọt nước với em gái chị Dần và bố chị Dần là ông Được. Ông Được còn thốt lên: "Thế này thì không cần xét nghiệm ADN nữa. Con đúng là đứa con thất lạc của bố rồi".
Nhưng kết quả xét nghiệm khiến mọi người ngạc nhiên một lần nữa: Chính chị Dần mới là con của ông Được, còn chị Trang không có quan hệ huyết thống gì. Vậy là từ đó, chị Dần mới yên tâm sống bên người thân mà không phải lăn tăn vì sao mình khác biệt bố mẹ. Chị Trang sau đó cũng tìm được gia đình ruột thịt thực sự.
Vương Linh