Nhà ông Cao Văn Toàn (56 tuổi, thôn Cam Thịnh) là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi được đánh giá còn nhiều chi tiết nguyên bản ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
"Nhà tôi có niên đại 401 năm, gia đình tôi là đời thứ 10 được thừa hưởng và gìn giữ nhưng chưa hề thay một chi tiết nào. Từ năm 2004 ngôi nhà này được chứng nhận di sản văn hóa, nhiều người đến hỏi mua với giá cao để dời đi nơi khác, nhưng tôi không muốn bán vì đây là tài sản vô giá của dòng tộc", ông Toàn tự hào nói.
Từ cổng chính đi vào là ngôi nhà 5 gian 2 chái rộng 200m2, còn lại là sân vườn và công trình phụ, mang dáng dấp hoàn toàn cổ xưa.
"Từ lâu vợ tôi đã thích một bộ bàn ghế mới để phòng khách khang trang, nhưng tôi sợ không theo kiến trúc cổ nên phải đóng bàn ghế tre theo đúng lối xưa, chỉ ngồi được 4 người", ông Toàn nói.
So với những nhà cổ khác trong làng, nhà ông không có nhiều nội thất, vật dụng trang trí. Thế nên, ngoài những chi tiết được khắc đẽo tỉ mỉ trên cột, kèo, hầu như gian nhà chính không có điểm nhấn nào, ngoài bàn thờ, hai cái phản lớn chỉ để bày đồ cúng và một bàn ghế tre để tiếp khách.
Hai bên chái nhà là 2 buồng ngủ. Nền nhà đất vẫn giữ nguyên qua 4 thế kỷ, nhấp nhô gợn sóng, có những ngày mối từ đất chui lên lổn nhổn. Những vật dụng bằng gỗ thấy rõ những vết lõm, từ li ti đến những mảng lớn như bàn tay, mối ăn chán cũng phải bỏ đi.
Mỗi sáng có nắng, vợ ông Toàn đều lôi chiếu trải giường ra khỏi phòng để phơi. "Mọi vật dụng đều dễ dàng bị mốc do thiếu ánh sáng mặt trời. Rêu mốc bám vào cả quần áo nếu khoảng một tuần không dùng đến", bà Trương Thị Đông (55 tuổi, vợ ông Toàn), chia sẻ.
"Nhà này tối đến không đắp chăn thì không chịu nổi vì rét, mùa hè vẫn phải có chăn mỏng để đắp", bà Đông cho biết thêm. Nhưng bà cũng cho rằng đó là một giá trị đáng quý của ngôi nhà, hiếm có công trình nhà ở hiện đại nào được như vậy.
Đất rộng, nhưng ông Toàn không làm nhà lầu được vì quy định của ban quản lý làng cổ không được xây cao quá 4m, các hạng mục khác muốn xây dựng phải đúng mẫu hoặc tương tự kết cấu nhà cổ.
Vì thế, đối diện với gian nhà chính, ở trong vườn, ông Toàn xây thêm căn phòng nhỏ 30m2 làm nơi sinh hoạt. 10 năm qua, đây vừa là tiệm sửa chữa đồ điện tử, xe đạp xe máy, vừa là nơi gia đình 6 người ăn uống, xem tivi... Theo kết cấu chung, căn phòng này cũng không được xây cao, không được sơn tường, nên rêu phong, ẩm mốc luôn thường trực.
Ở một góc vườn khác là nhà vệ sinh, góc khác nữa là nhà tắm, máy giặt, tủ lạnh, mỗi nơi một thứ. Những khoảng trống còn lại, ông tận dụng để đặt chuồng nuôi chim, gà, chó, mèo... Khu vườn chia năm xẻ bảy đối lập hẳn với vẻ duyên dáng của ngôi nhà cổ ở giữa khu đất.
"Nhà hư chúng tôi có thể báo ban quản lý để có phương án cải thiện. Nhưng thủ tục lâu lắm. Muốn thay cái cột cũng phải kê khai chi tiết rồi trình lên các cấp, mấy tháng trời chưa xong, nên tôi cũng lười nghĩ đến chuyện nâng cấp nhà. Mặt khác, tôi cũng không muốn phạm vào ngôi nhà cổ", ông Toàn tâm sự.
Hàng tháng, ban quản lý làng cổ Đường Lâm hỗ trợ cho gia đình ông Toàn 200 nghìn đồng để duy trì, đón khách đến tham quan, vị chi, mỗi ngày ông nhận được 8 nghìn. Ông không có thêm khoản thu nào từ ngôi nhà cổ, bởi tuy được gắn biển điểm du lịch đón khách, nhưng khách không ghé thăm, do nhà không có tên trên bản đồ du lịch.
Ông Nguyễn Trọng An, phó trưởng Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm, cho biết nhà ông Toàn là một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất ở đây. "Tuy nhiên, vì ban quản lý muốn tập trung du lịch vào một cụm ở thôn Mông Phụ, nên nhà ông Toàn không có trong bản đồ du lịch của làng. Đó là thiệt thòi cho gia đình ông Toàn, vì ông có ý thức gìn giữ di sản rất tốt".