Ngồi trong cửa hàng bán đồ thủ công được thiết kế một cách hiện đại trên con phố Hàng Gai sầm uất, bà Đỗ Thanh Hương - thế hệ kinh doanh thứ 2 của gia đình không khỏi bồi hồi khi nhớ lại quãng thời gian lập nghiệp đầy khó khăn của người mẹ đã quá cố - cụ Bạch Thị Ngải. “Mẹ tôi dường như sinh ra là để kinh doanh, bà là người có tầm nhìn xa và rất quyết đoán…”, bà kể lại với giọng tự hào.
Câu chuyện của Tân Mỹ Design - thương hiệu gia đình được biết đến ngày nay - khởi nguồn từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi nhiều người còn chưa biết tới khái niệm kinh doanh, chật vật với cuộc sống tem phiếu thì cụ Ngải đã nghĩ phải làm thêm gì đó để có “đồng ra đồng vào” nuôi gia đình 7 người con cùng bố mẹ già nội, ngoại.
Vốn là người khéo tay, từ thêu thùa, may vá, đan lát… cụ Ngải tự tay thêu gối với hình chữ lồng dành cho các đôi uyên ương, hay chiếc khăn tay với hình đôi chim câu giang cánh, câu thơ thể hiện sự thuỷ chung, đợi chờ… rồi giao cho các mối mua hàng. “Mẹ tôi thêu đẹp có tiếng nên các mối hàng rất tin tưởng. Khi nào bà Ngải trả hàng thêu là họ không bao giờ phải kiểm tra, chỉ nhận và nhập vào kho”, bà Hương tự hào kể lại.
Cụ Bạch Thị Ngải (giữa) và 2 thế hệ kinh doanh của gia đình. |
Năm 1969, cụ Ngải mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm thêu truyền thống đầu tiên ở con phố sầm uất nhất nhì khu phố cổ. “Tân Mỹ có nghĩa là mới và đẹp. Sản phẩm thêu tay của chúng tôi lúc nào cũng phải là mẫu mới nhất, đẹp và hoàn hảo nhất”, bà Hương giải thích.
Nhưng bước ngoặt trong kinh doanh, phát triển nghề thêu truyền thống của cụ Ngải mở ra từ sau cuộc gặp tình cờ với vị cựu Đại sứ Cuba ở Hà Nội những năm 60 thế kỷ trước. Vì quá yêu những bông hoa nhỏ xinh thêu trên chiếc áo sơ sinh do chính tay cụ Ngải may và thêu, vị cựu Đại sứ đã đặt trọn bộ đồ trang trí cho căn phòng thiên thần nhỏ sắp chào đời, từ quần áo, tới chăn, ga gối … Sau khi hoàn thiện “đơn đặt hàng” lớn đầu tiên, thấy tiềm năng lớn về thị trường thêu tay truyền thống cụ quyết định phát triển đa dạng thêm nhiều sản phẩm, chứ không đơn thuần bó hẹp ở một hai mặt hàng ban đầu.
Nhiều người cho rằng thêu tay không phải là nghệ thuật, chỉ là sự sao chép, nhân bản nhàm chán. Điều này không đúng. Cụ Ngải quan niệm, thêu cũng giống như các bộ môn nghệ thuật hội họa, điêu khắc, nếu mỗi sản phẩm thêu là một sáng tạo thì nó cũng làm nên giá trị riêng biệt, giống như một bức tranh hay một hình điêu khắc. Để giữ uy tín cho nghề thêu của gia đình, sản phẩm của Tân Mỹ nhất nhất phải được sản xuất từ chất liệu tự nhiên, tất cả thêu tay, tuyệt đối không dùng máy.
Khi việc kinh doanh bắt đầu mở rộng, cụ Ngải nhường quyền quản lý cửa hàng cho con gái – bà Đỗ Thanh Hương. Bà Hương cũng là thế hệ kinh doanh thứ 2 của gia đình.
Dù đã lùi lại phía sau, nhưng khi còn sống, mỗi ngày cụ Ngải vẫn thích đến cửa hàng trò chuyện với khách. Cụ thích tự tay gói hàng, thậm chí xách hàng ra xe cho họ. Bằng cách này cụ nắm được tâm lý, thị hiếu và gu của khách hàng để có điều chỉnh kịp thời cho mỗi sản phẩm mới. Đây cũng chính là cách mà con gái bà – bà Đỗ Thanh Hương vẫn làm mỗi ngày kể từ khi nối nghiệp kinh doanh từ mẹ.
“Mẹ tôi dù xuất thân từ nông thôn, không ngày nào được học về kinh doanh nhưng bà là người dường như sinh ra để kinh doanh. Khi cửa hàng phát triển chính bà là người giục tôi đăng ký bản quyền nhãn hiệu, điều trước đó ít ai nghĩ tới”, bà Thanh Hương chia sẻ.
Nối nghiệp của mẹ cách đây hơn 20 năm, nhưng với bà Hương lúc nào mẹ cũng là “người thầy nghiêm khắc nhất”. “Mẹ luôn dạy tôi phải yêu quý thợ, nhân viên như người trong gia đình, vì họ là người mang lợi nhuận đến cho mình. Nếu không có họ thì không có thương hiệu Tân Mỹ”, bà Hương tự hào.
Sản phẩm thêu tay của cửa hàng luôn phải đảm bảo đẹp và tinh tế. |
Hỏi “điều gì ở mẹ bà học hỏi, cảm phục nhất?”, bà Hương không ngần ngại đáp, đó là sự quyết đoán, tầm nhìn xa trông rộng, cái tình và cách đối nhân xử thế của cụ Ngải trong kinh doanh.
Triết lý này đã giúp Tân Mỹ vượt qua giai đoạn kinh tế khủng hoảng, khó khăn nhất. Nhớ lại quãng thời gian đầu những năm 2002 khi dịch SARS bùng nổ, khách nước ngoài tới Việt Nam sụt giảm. Ngay những thương hiệu, doanh nghiệp lớn cũng tính tới chuyện giảm người, cắt lương nhân viên. Điều hành công ty lúc đó bà Hương cũng đã nghĩ tới phương án này để tồn tại, nhưng cụ Ngải ngăn lại. Quan niệm kinh doanh của cụ thể hiện rõ trong lời khuyên dành cho con gái ở thời điểm khó khăn ấy. “Nếu có bớt thì bớt phần mình, chịu lãi ít đi hoặc không lãi, chứ nhất định không giảm lương, cho thợ nghỉ việc”, bà chủ thế hệ kinh doanh thứ 2 của gia đình kể lại.
“Bà luôn bảo tôi: Con không được dừng lại, vì dừng có nghĩa là lùi, mà luôn phải đi trước nếu không muốn lỗi thời. Con phải làm sao để mỗi khách hàng bước chân vào cửa hàng đều cảm thấy họ may mắn khi mua hàng ở đây, và sẽ giới thiệu với người thân, bạn bè”, bà Hương nhớ lại. Chinh phục khách hàng bằng chất lượng, dịch vụ tốt nhất cũng là cách mà một thương hiệu vượt qua các đối thủ kinh doanh. “Khách luôn thích sự tinh tế, tỉ mỉ và chau chuốt trong từng đường kim, mũi chỉ”, bà hào hứng.
Tân Mỹ giờ đã bước vào thế hệ kinh doanh thứ 3. Chị Nguyễn Thuỳ Linh, cháu ngoại cụ Ngải, cũng đang nối tiếp mẹ trong công việc kinh doanh, đưa thương hiệu phát triển theo thời gian. “Tôi sẽ không ép con gái mình phải theo nghiệp kinh doanh của gia đình nếu như cháu không muốn. Nhưng giờ thì may mắn là con cũng có thiên hướng kinh doanh, rất thích ra cửa hàng chơi, gặp gỡ và nói chuyện với khách hàng”, bà Hương cười khi nói về thế hệ tương lai nối tiếp nghiệp kinh doanh của gia đình.
“Tôi muốn giới thiệu thêu Việt Nam với thế giới càng nhiều càng tốt. Đó là một hình thức nghệ thuật tuyệt đẹp, và chúng tôi hy vọng nhiều người có thể biết về nó”, chị Linh nói.
Chị Linh thậm chí còn cân nhắc đến việc mở rộng thương hiệu, đưa sản phẩm của thương hiệu gia đình phát triển qua kênh thương mại điện tử, vì vẫn còn rất nhiều du khách nước ngoài chưa biết tới vẻ đẹp tinh tế trong các sản phẩm thêu tay Việt.
Nguyễn Hoài - Anh Tú