Từ nhỏ, An Nhiên đã rất thích nghề diễn viên. Khi xem phim hoạt hình, cô bé bắt chước y chang nhân vật yêu thích. Giấc mộng được diễn theo An Nhiên suốt quãng đời học sinh. Em khắc khoải mong đến ngày nộp bản đăng ký dự thi trường đại học mình yêu thích. Dù biết năng khiếu của con nhưng bố mẹ An Nhiên một mực phản đối, ngăn cản. Bố mẹ muốn em làm những nghề bình thường như ngân hàng, giáo viên, kế toán... không lặn lội kiếm chỗ đứng trong "nghề của công chúng". Nói nhẹ nhàng thuyết phục không được, bố An Nhiên tuyên bố: "Nếu vẫn chọn Sân khấu Điện ảnh thì khỏi thi đại học, ở nhà đi làm nhân viên bán hàng". Cô con gái độc nhất cũng bướng bỉnh khẳng định: "Dù có phải đi làm cũng nhất định chỉ thi trường mình thích". Để thể hiện rõ quyết tâm, An Nhiên tuyên bố nếu bố mẹ tiếp tục gây sức ép sẽ sang nhà bà nội ôn thi.
Mâu thuẫn gia đình An Nhiên ngày càng căng thẳng khi các trận cãi vã xung quanh việc chọn trường diễn ra thường xuyên trong bữa ăn. Mẹ An Nhiên tâm sự nhiều lúc cũng muốn xuống nước, chiều theo ý con gái nhưng hàng ngày đọc báo, thấy những thị phị lùm xùm của cánh nghệ sĩ lại lo mềm lòng là hại cả đời con nên kiên quyết phản đối.
Không đến mức gay gắt như gia đình An Nhiên, song Nhật Minh ở TP HCM cũng đang đang rối bời vì mâu thuẫn trong vấn đề chọn trường đại học. Minh muốn thi vào Đại học Sư phạm nhưng bố mẹ lại thích cậu thi vào Đại học Kinh tế vì theo họ Sư phạm là nghề không có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Để chứng minh quan niệm của mình là đúng, bố mẹ Minh mua đủ sách doanh nhân, bí quyết thành công... để sẵn trên bàn con trai. Ngoài ra, tranh thủ lúc nghỉ ngơi ngồi xem TV, bố mẹ kể về những tấm gương anh, chị họ hàng... thành đạt, giúp đỡ gia đình vì theo học kinh tế.
Nghe những phân tích của bố mẹ, Minh thấy không phải là không có lý, em tâm sự bố mẹ là những người có kinh nghiệm nên việc đánh giá nghề nghiệp cũng thuyết phục nhưng trong thâm tâm, Minh vẫn thích nghề giáo. Để dung hòa sở thích của mình và bố mẹ, Nhật Minh quyết định dự thi cả hai trường. "Em học đều các môn nên dự thi cả hai khối A và C không quá khó. Nếu may mắn đỗ được hai trường, em sẽ tiếp tục thảo luận cùng bố mẹ để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất".
Bên cạnh những ý kiến áp đặt, nhiều bậc phụ huynh lại rất tôn trọng ý kiến của con em mình trong việc chọn trường. Bác Minh Thắng, phụ huynh bạn Long (học sinh trường PTTH Kim Liên) nói: "Vợ chồng tôi lăn lộn thương trường bao năm mới gây dựng được sự nghiệp lớn ngoài mong muốn con được sung túc thì cũng hy vọng cháu kế thừa thành quả của bố mẹ. Nhưng con trai độc nhất của tôi lại khăng khăng theo ngành công nghệ. Ban đầu, tôi cũng không hài lòng nhưng nghe cháu phân tích, vợ chồng tôi đồng ý và tin vào sự lựa chọn của con". Trường Long nhắm đến là Đại học FPT. Long cho biết rất thích môi trường cho cậu cơ hội phát triển toàn diện, mối quan hệ thầy trò bình đẳng, lẫn cơ sở vật chất hiện đại của trường này vì từng đến thăm anh họ học ở đây.
"Em biết ơn những vất vả của bố mẹ để tạo dựng cơ sở vững chắc cho mình nhưng muốn tự chọn con đường đi tương lai bằng nghề công nghệ thông tin. Sau khi tìm hiểu, em quyết định đăng ký dự thi Đại học FPT, vì môi trường học không khác trường quốc tế là mấy. Trong trường có sinh viên của vài quốc tịch khác nhau cùng học, giáo trình cũng toàn bằng tiếng Anh. Quan trọng ở đây là học thật thi thật, không tiêu cực, không có chuyện 'đi thầy đi cô'. Gần 4 năm học anh họ em chưa từng phải biếu thầy một món quà nhỏ nào để lên điểm. Học FPT xong, em có thể kết hợp truyền thống kinh doanh của gia đình với niềm đam mê công nghệ thông tin để tạo sự nghiệp riêng", Long tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý Mỹ Linh, Giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, phụ huynh không nên áp đặt con cái theo ý của mình mà chỉ tư vấn, định hướng theo kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bố mẹ “đứng ngoài” sự chọn lựa nghề nghiệp của con. Chị Linh nhận xét mảng hướng nghiệp ở Việt Nam còn khá yếu, chỉ làm trên bề mặt (tư vấn tuyển sinh), chưa thật sự cung cấp cho học sinh kiến thức, công cụ để hiểu rõ hơn trường, nghề mình mình sẽ chọn. Đa phần giới trẻ chỉ hiểu lờ mờ, theo xu hướng nghề "hot" hiện tại mà không phân tích kỹ mình phù hợp với ngành nào, phát triển ra sao trong tương lai.
Do đó, việc hướng nghiệp cần thực hiện ngay khi các em còn nhỏ, để mỗi người có đủ thời gian trải nghiệm, chọn trường thiết thực hơn theo năng lực cá nhân, đam mê, bên cạnh nhu cầu xã hội và kinh nghiệm của cha mẹ. Nếu được, phụ huynh có thể dẫn học sinh đến các trung tâm hướng nghiệp, thực hiện bộ công cụ trắc nghiệm tâm lý để biết mình thật sự yêu thích, phù hợp với ngành nghề nào, từ đó hiểu hơn bản thân muốn, cần gì khi chọn trường đại học.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng cho rằng để chọn trường, bạn trẻ nên cân nhắc trước hết đến truyền thống gia đình bởi họ sẽ được thừa hưởng một bề dày văn hóa và chuyên môn. Ưu tiên thứ 2 là năng lực, sở trường cá nhân, và thứ 3 là xu thế xã hội. Dù không thể bỏ qua ý kiến của phụ huynh nhưng các bạn trẻ cũng phải phân tích để cha mẹ hiểu, làm gì cũng phải có sở thích, sở trường thì mới phát huy, phát triển được.
Phương Thảo