Lễ động quan cố nghệ sĩ Lê Bình diễn ra vào 7h sáng 4/5 tại TP HCM, sau đó linh cữu ông được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, bà Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM, cùng các đồng nghiệp có mặt từ sớm ở nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (Gò Vấp) tiễn biệt ông. Trước đó, đêm 3/5, nhiều đồng nghiệp như ca sĩ Hữu Bình, diễn viên Bảo Trí, Kiến An... đến hát bên linh cữu.
Đại diện gia đình cho biết sẽ trao 50 triệu đồng cho Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) và 50 triệu đồng cho chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp). "Ai nói chú Bình nghèo chứ tôi thấy ông giàu lắm: hơn 100 vòng hoa viếng, sổ tang được ghi kín... Ông được bao nhiêu người thương, nhiều đến nỗi phải san sẻ cho người khác", diễn viên Hạnh Thúy chia sẻ.
Ở lễ truy điệu diễn ra vào 18h30, con trai út của ông bày tỏ: "Những ngày qua, nhiều cô chú đồng nghiệp đến chia buồn. Gia đình rất cảm kích trước tình cảm mọi người dành cho cha. Không một lời nào diễn tả hết lòng biết ơn. Tôi xin hứa trước di ảnh cha sẽ thực hiện các di nguyện của ông và làm tốt hơn". Trong không khí nghiêm trang, đội kèn tang chơi lại bản Bài ca đất phương Nam (lời bài hát: Lư Nhất Vũ) - nhạc phim truyền hình đính đám ông từng đóng. Giai điệu quen thuộc khiến những người đến viếng không nén được nước mắt.
Bà Hồng Dung đọc điếu văn tiễn biệt Lê Bình. Bà bày tỏ dẫu chuẩn bị trước, sự ra đi của nghệ sĩ làm người thân, đồng nghiệp, khán giả đau thắt. "Mỗi lần gặp anh là chỉ thấy anh cười, sao bây giờ anh không còn gây cười cho anh em nữa? Sinh thời, thấy không khí nghiêm trang thế này, có anh pha trò rồi đấy... Từ lâu, khán giả không còn nhớ cái tên Lê Thanh Sơn mà chỉ nhớ tên Lê Bình. Tên anh thân quen đến mức xuất hiện thường xuyên, không bao giờ đứng hàng thứ nhất trên panô, thậm chí chỉ là hàng cuối. Anh chưa bao giờ có vai chính, song các vai qua tay anh đều trở thành nhân vật chính, như ông Tư, ông Bảy, ông già, lão phù thuỷ... Khán giả có thể không đến rạp mua vé vì tên Lê Bình, nhưng bước ra khỏi rạp sẽ xuýt xoa: 'Tui thích ông Tư tưng tửng đó ghê', 'ông Bảy móc họng duyên ơi là duyên'... Nghe như vậy, trong ngọn cỏ, luồng gió, hẳn anh đang hạnh phúc lắm", bà Hồng Dung phát biểu.
Lê Bình qua đời sáng 1/5 tại bệnh viện ở TP HCM sau gần một năm điều trị ung thư. Ông bị ung thư phổi giai đoạn thứ ba từ tháng 8/2018. Biết hoàn cảnh khó khăn của ông, nhiều đồng nghiệp như Cát Phượng, Trịnh Kim Chi, Đại Nghĩa... kêu gọi ủng hộ ông tiền chữa trị. Ban đầu, nghệ sĩ giấu bệnh vì sợ làm phiền mọi người. Ông luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan để chống chọi nghịch cảnh.
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham gia các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông đã giành được ba huy chương vàng, ba huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu Idecaf, 5B, kịch Phú Nhuận...
Vai diễn đầu tiên của ông trên màn ảnh là nhân vật ông chủ tiệm thuốc Bắc trong phim Dòng sông không quên. Ông tiếp tục được biết đến qua các phim: Đất phương Nam, Đợi khách, Người đàn bà không hóa đá, Hải âu, Đèn không hắt bóng, Mùa len trâu, Cô gái xấu xí, Dưới cờ đại nghĩa... Do ngoại hình cao gầy, khuôn mặt hiền lành, ông thường được giao hóa thân những nhân vật khắc khổ, cam chịu... Ông còn tham gia 16 vai trong loạt phim Cổ tích Việt Nam, được khán giả nhiều độ tuổi yêu thích.
Mai Nhật
Ảnh: Thành Nguyễn