Sau một năm nặng gánh lo toan cho học hành, công việc … những ngày Tết bên người thân yêu là khoảng thời gian bình yên, được yêu thương che chở, được sẻ chia buồn vui trong cuộc sống. Thế nhưng, ước mơ tưởng chừng như giản dị ấy không phải ai cũng có được. Tôi đã xa quê du học xứ người gần 3 năm. Lúc này, mới càng thấm thía cảnh đoàn tụ bên gia đình ngày xuân qúy giá biết nhường nào. Tôi mở cuốn nhật ký những ngày xa xứ ra đọc lại vài dòng thơ viết vào mùa xuân năm ngoái:
Xuân ơi đừng đến vội
Tôi chưa kịp trở về
Bên gia đình yêu dấu
Vào ngày tết đoàn viên
Tôi sang Hàn Quốc học thạc sĩ đã được hai mùa xuân. Cũng như những nước châu Á khác, người Hàn cũng đón tết âm lịch. Ngày tết, mọi người ra đường đón không khí xuân vui vẻ và chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi cảm nhận được không khí hạnh phúc ngập tràn khắp nơi. Bạn bè tôi ở Hàn khá nhiều, chúng tôi thường tụ tập nhau lại liên hoan và hòa cùng dòng người đi đón xuân. Thế nhưng, tôi lại cảm thấy vô cùng cô đơn trong những ngày này. Tôi nhớ về Hà Nội, nhớ về gia đình nhỏ vẫn đang chờ tin tôi trở về. Khi xa xứ, càng vui vẻ bao nhiêu lại càng nhớ tới gia đình và muốn quay trở về quây quần bên gia đình bấy nhiêu.
Khi tôi còn ở Việt Nam. Trước khi sang Hàn Quốc học thạc sĩ, tôi từng có thời gian đi dạy gia sư miễn phí cho các em nhỏ mồ côi tại chùa Phúc Duyên. Những đứa trẻ với độ tuổi khác nhau, tính cách khác nhau nhưng đều có chung một niềm say mê học tập. Tôi coi chúng như những đứa em của mình. Những em nhỏ ở đây đều thiếu tình yêu thương của cha mẹ. Ngày giao thừa đầm ấm chúng chỉ thấy trong sách vở và phim ảnh. Các em không còn ông bà, cha mẹ hay anh chị em thân thiết. Một bữa cơm đầy đủ thành viên trong gia đình là điều các em khó lòng có được. Những ngày này ở chùa vô cùng bận rộn. Từ sư, tiểu đến vãi già đều phải tranh thủ dọn dẹp, trang hoàng cảnh chùa, đón tiếp khách thập phương. Ai cũng bận rộn chuẩn bị cho ngày tất niên. Thế nhưng, ở căn phòng của những đứa trẻ giao thừa không đến được. Năm đó tôi xin phép đưa các em về nhà tôi ăn tết. Chúng rất vui vẻ háo hức. Nhìn những ánh mắt biết nói đang long lanh mừng vui tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Đó cũng là cái tết cuối cùng tôi được đón cùng gia đình trước khi đi du học.
Con người thường hay tiếc nuối những điều đã qua. Giờ đây ở nơi xa xứ, tôi càng thấy thấm thía những ngày tết đoàn tụ bên gia đình đáng trân quý biết bao. Vậy mà khi ấy, tôi chưa từng nghĩ sâu sắc đến vậy. Năm nào tôi cũng đón tết cùng gia đình. Những ngày này bạn bè tôi thường đi hái lộc, xem bắn pháo hoa. Tôi luôn từ chối mọi cuộc hẹn vào ngày này dù trong lòng cũng muốn đi lắm. Khi đó tôi chỉ không muốn làm bố mẹ buồn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy trách mình vô tâm quá. Rồi sẽ đến lúc tôi có gia đình riêng, ngày tết bận rộn với gia đình đâu còn có thể đoàn tụ bên cha mẹ như thế.
Bây giờ đi xa mới thấy buồn và tiếc nuối những tháng ngày còn ở bên gia đình thân yêu. Những em nhỏ mồ côi ngày nào có lẽ cũng từng nghĩ như tôi bây giờ. Dù có thể có những giây phút vui vẻ bên bạn bè, người quen thì vẫn không thể nào thay thế được mái ấm gia đình. Tôi muốn trở về ôm lấy tấm lưng gầy của mẹ, hôn lên mái tóc pha sương của cha. Tôi sẽ nắm chặt lấy bàn tay của cha mẹ như khi còn thơ dại cần sự chở che. Giá như mình bé lại mãi mãi để được gia đình bao bọc yêu thương.
Ngày hôm nay ở phương trời xa, tôi lại nhớ da diết quê nhà và mong muốn được đoàn tụ. Tôi hình dung tới ngày đoàn tụ được ôm chặt lấy cha, thấy những giọt nước mắt của mẹ và nụ cười của cậu em trai khi chờ đón tôi trở về quê nhà. Lại nhớ về mấy câu thơ mà tôi đã đọc được ở đâu đó.
"Phương trời gửi gió mang niềm nhớ
Quê nhà có nắng, chưa mẹ ơi ?
Đồng xanh, nước lợ, cây tầm gửi.
Xuân về bên mái, cha buồn không ?"
Tháng 2, thành phố Seul Hàn Quốc vẫn đang là mùa đông. Nhiệt độ xuống dưới âm 6 độ C. Trời rất lạnh. Nhìn tuyết phủ trắng mái nhà, ngọn cây, ngọn cỏ tôi lại nhớ tới nắng ấm quê hương. Khi còn là sinh viên, tôi hay cùng bạn bè đi thăm làng hoa Ngọc Hà, Tây Tựu. Ngày giáp tết, mai đào đã khoe sắc thắm. Dù chẳng dư dả gì nhưng thế nào chúng tôi cũng chọn cho gia đình mình một chậu hoa thật đẹp để chưng mấy ngày tết.
Lúc này ở nhà, chắc bố mẹ tôi cũng đang chuẩn bị sắm sửa đón tết. Bố sẽ làm một câu nêu treo trước cửa. Mẹ chuẩn bị mua gạo nếp, thịt lợn, lá rong để gói bánh trưng. Bắt đầu chiều 28 tết cả gia đình tôi, nhà bác cả và chú út cùng gói bánh trưng. Người vo gạo, người rửa lá, người gói bánh ai cũng tất bật nhưng không khí thật vui vẻ. Đến đêm, mấy đứa trẻ tụi tôi được giao nhiệm vụ trông nồi bánh trưng. Đứa nào đứa nấy mặt mũi hớn hở thích thú lắm. Giống như chỉ vừa mới ngày hôm qua thôi, tôi còn đang quây quần bên gia đình.
Thời gian trôi nhanh quá, giống như chỉ vừa mới chớp mắt mà tôi đã xa nhà mấy năm. Ngày tết nơi đất khách quê nhà dù có nhộn nhịp, vui vẻ cách mấy cũng không thể khỏa lấp khoảng trống nơi trái tim tôi. Mùa đông xa xứ, lại là ngày giáp tết chỉ càng làm cho người ta thêm nỗi nhớ da diết quê hương. Gác hết chuyện học hành thi cử lại, tôi nhấc máy gọi về cho gia đình để thông báo “Ba mẹ à! Xuân này con sẽ về”.
Nguyễn Thị Thu Thảo
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |