Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 8/9/2019, 08:46 (GMT+7)

Gia đình hơn 50 năm làm đầu lân

TP HCMÔng Lâm Văn Ky, 69 tuổi, làm đầu lân bán quanh năm nhưng tất bật nhất là vào dịp Trung thu và Tết Nguyên đán.

Tại "phố lồng đèn" trên đường Lương Nhữ Học (quận 5), gia đình ông Lâm Văn Ky là hộ hiếm hoi còn làm đầu lân và đồ nghề phục vụ múa lân rồng.

"Nghề làm lân khá phổ biến trong cộng đồng người Hoa. Trước kia nhiều nhà làm nhưng giờ chỉ bán lồng đèn là chính. Gia đình tôi theo nghề này cũng hơn nửa thế kỷ rồi, con cháu giờ vẫn còn vài người làm", ông Ky cho biết.

Vì không có mặt bằng nên gia đình ông Ky phải làm đầu lân ở nhiều địa điểm, mỗi cơ sở phụ trách một công đoạn. Tại căn nhà trên đường Bà Lài (quận 6) những bộ khung đầu lân được các thợ tỉ mỉ chế tác rồi dán giấy.

Vật liệu chính làm đầu lân là mây rừng và tre thay vì bằng khuôn xi măng rồi dán giấy thường thấy. Cây mây phơi khô, chẻ nhỏ, vót mịn có độ dẻo cao nên dễ uốn.

"Tạo bộ khung là công đoạn quan trọng nhất, quyết định hình hài, độ bền của đầu lân. Việc này cần tay nghề cao và chỉ làm thủ công thôi. Ngày nào cố lắm tôi cũng chỉ làm được hai đầu lân", ông Khoa, người gắn bó với nghề 30 năm cho biết.

Những chiếc sừng được dán giấy trước khi ghép vào đầu lân. Đây là giấy thường, giấy bồi với chất liệu kết dính bằng bột năng. Người thợ sẽ dán một lớp giấy rồi đem phơi khô, sau đó lại tiếp tục thêm lần giấy nữa.

Đầu lân dán giấy được phơi khô trong ba tiếng trước khi vẽ trang trí. Công đoạn này thường do ông Ky thực hiện. Lân chủ yếu vẽ bằng những màu có tông rực rỡ như xanh, đỏ, vàng...

"Người thợ chưa có kinh nghiệm vẽ đầu lân thường phải đi các nét bằng bút chì rồi mới tô màu. Tôi thì vẽ trực tiếp vào lân luôn. Làm bằng tay nên mỗi đầu có màu sắc, thần thái khác nhau", ông Ky nói.

Một chiếc đầu lân có hồn phụ thuộc vào sự bố trí màu sắc và hoa tay của người thợ. Trung bình mỗi đầu lân ông Ky mất ít nhất một ngày mới vẽ xong.

Dương Đức Tuấn (16 tuổi) dán lông, làm râu cho con lân vừa trang trí xong. Đầu lân thường trang trí bằng lông cừu. Lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền.

Tuấn từng theo đoàn lân từ nhỏ, sau bị chấn thương khi múa nên phải bỏ nghề. "Vì vẫn đam mê với lân sư rồng nên em học nghề và được bác Ky nhận làm con nuôi. Công việc em chủ yếu là vẽ dán lông và đi giao hàng", Tuấn cho biết.

Tuấn buộc dây kéo bên trong đầu lân để hai con mắt chúng có thể chớp chớp khi biểu diễn. Một tuần Tuấn hoàn thành xong hai con lân, được trả công 500.000 đồng một con.

10 năm nay, căn gác tại cửa hàng là nơi bà Lâm Thị Mai Xuân (57 tuổi, người thân của ông Ky) may đuôi lân, quần áo, cờ, lọng... cho các đoàn lân sư rồng.

Theo bà Xuân, cầu kỳ nhất là may đuôi lân. Chất liệu may thường là vải kim sa rồi gắn lông, đính kim tuyến... để trang trí đuôi. Một bộ đuôi dài 2,5 m được may bằng vải kim sa có giá gần hai triệu đồng.

Đầu lân chia làm ba loại: tiểu, trung, đại. Loại lớn nhất có giá 5 triệu đồng và chưa tính đuôi. Nghề làm đầu lân diễn ra quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Trung thu và Tết Nguyên đán.

Một tháng trước Trung thu, mỗi ngày ông Ky đi giao khoảng 30 đầu lân lớn nhỏ khắp TP HCM và nhiều tỉnh khác.

Quỳnh Trần