Con trai, con gái, các cháu túc trực bên linh cữu ông trong lễ tang. Bà Hồng Thúy - vợ ông - đã mất 14 năm trước. Nghệ sĩ qua đời trưa 27/11, sau nhiều năm mắc bệnh tuổi già.
Sinh thời, với hơn 300 vở diễn dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật, ông có công kiến tạo thời kỳ hoàng kim của sân khấu phía Bắc thập niên 1980, 1990. Thế nhưng thành quả lớn nhất của ông là dìu dắt thế hệ học trò - hiện giữ nhiều vị trí chủ chốt ở các nhà hát, góp phần tạo nên diện mạo sân khấu phía Bắc vài thập niên trở lại đây.
Nhiều học trò đến đưa tiễn, bùi ngùi nhớ kỷ niệm với cố nghệ sĩ. Diễn viên Giang Còi, Chiều Xuân học lớp diễn viên điện ảnh khóa ba (Đại học Sân khấu Điện ảnh) do nghệ sĩ Xuân Huyền dìu dắt. Khi Giang Còi học năm nhất, mẹ anh không ủng hộ nên thường đến trường yêu cầu ban giám hiệu không cho anh lên lớp. Giang Còi kể: "Khi đến chân cầu thang, mẹ tôi gặp thầy Xuân Huyền. Đến tận bây giờ, tôi không biết thầy đã nói gì với bà. Từ sau hôm đó, bà không còn tìm đến trường tôi nữa. Hồi ấy, chẳng ai tin thằng Giang Còi vóc người nhỏ bé, xấu trai có thể trở thành diễn viên. Thế nhưng thầy Xuân Huyền luôn khẳng định tôi đầy đủ tố chất của một nghệ sĩ và truyền cho tôi niềm tin ấy".
Với Giang Còi, nghệ sĩ Xuân Huyền giống như người cha thứ hai, chăm sóc anh từng ly từng tí. Năm cuối đại học, trong chuyến lưu diễn ở Tây Nguyên, ông ngồi ngắm nghía anh hồi lâu rồi nói: "Mày có bộ ria mép giống tao nhưng không đẹp bằng". Sau đó, ông ra cổng trường tiểu học, mua một chiếc kéo thủ công rồi tỉa râu cho học trò. Xong xuôi, ông ngắm nghía, cười khà khà rồi nói: "Giờ đẹp gần bằng tao rồi đấy". Giang Còi viết trong sổ tang: "Con tạo xoay vần, thật quái ác. Chúng con mất thầy thật sao. Không! Thầy mãi trong tim chúng con, thắp sáng cháy rực ngọn lửa yêu nghề. Trong nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này, an ủi chúng con chỉ là hy vọng nhỏ nhoi - thầy đã gặp cô nơi ấy".
Trong mắt Chiều Xuân, nghệ sĩ Xuân Huyền là người khí phách, ngang tàng, rất nghiêm khắc với học trò. "Nhà thầy ở trong khu tập thể của trường, thầy lên lớp rất đúng giờ. Thầy đặt ra quy định ai bước vào sau thầy không được vào lớp. Nhiều bạn trong lớp chúng tôi hồi ấy toàn trèo từ tầng một lên tầng hai mỗi tiết của thầy", Chiều Xuân kể. Chị nói nghệ sĩ Xuân Huyền có có cốt cách của một kẻ sĩ xứ Nghệ ngang tàng. Dù ở Hà Nội nhiều năm, ông vẫn nói tiếng Nghệ An với học trò. Ông phản đối việc thay đổi tiếng cha sinh mẹ đẻ. Chiều Xuân viết trong sổ tang: "Thầy ơi, mới đó tưởng là hôm qua mà giờ đã nghìn trùng cách biệt. Chúng em biết ơn thầy vô vàn vì đã chỉ bảo cho chúng em nghề nghiệp, thành một diễn viên tốt. Thầy còn là tấm gương cho chúng em hướng tới lối sống hào sảng, cốt cách, khí phách an nhàn giữa cuộc đời".
Nghệ sĩ Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - là học trò lớp đạo diễn K24 của Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh nói: "Dù thành danh với nhiều vở chính kịch, ngoài đời, nghệ sĩ Xuân Huyền hài hước, dí dỏm, lạc quan. Những năm cuối đời, ông buồn vì sức khoẻ yếu, không thể cống hiến cho nghệ thuật". Nghệ sĩ Lê Khanh - bạn cùng lớp với Sĩ Tiến - viết trong sổ tang: "Chúng em thật may mắn và hạnh phúc khi được làm học trò của thầy".
Nghệ sĩ Quốc Trị mến mộ cố nghệ sĩ Xuân Huyền vì tinh thần làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, sự sáng tạo trong nghề sân khấu. Anh viết lời tiễn biệt: "Thầy không chỉ là người thầy trên sàn diễn mà còn là người anh trong cuộc sống của em. Vĩnh biệt thầy - anh với niềm tiếc thương vô hạn".
Nghệ sĩ Trung Hiếu đọc điếu văn đưa tiễn, điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông. Ông là học viên khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (1959 - 1963). Sau một thời gian gắn bó với nghệ thuật tuồng, năm 1971, ông được cử đi học đạo diễn tại Liên Xô (cũ) tu nghiệp và trở về nước năm 1977. Vở kịch đầu tiên làm nên tên tuổi ông là Gió và bụi, đoạt huy chương bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980. Sau này, ông là đạo diễn nhiều vở kịch gắn với Nhà hát Tuổi trẻ như Bến bờ xa lắc, Trái tim trong trắng, Othello, Lời thề thứ chín, Vòng phấn Kápka, Nhà có ba chị em gái, Ông không phải bố tôi... Ông từng nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2016.
Tang lễ kết thúc lúc 10h sáng, tiếng Trung Hiếu đọc âm vang trong không gian: "Điều an ủi duy nhất là ở nơi vĩnh hằng, thầy sẽ nắm tay cô - người vợ của mình - mãi mãi". Vợ nghệ sĩ, bà Hồng Thúy, mất sớm vì bạo bệnh. Dù không cùng nghề với ông, trong nhiều năm, bà đứng sau hỗ trợ, là người bạn tâm giao chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.
Bài, ảnh: Hà Thu