Bà A. Amirtham, nhân viên phòng khám ở Malaysia đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng ngất xỉu, thiếu ngủ và mất cảm giác thèm ăn sau khi đứa con trai duy nhất, Puspanathan, biến mất cùng chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Với bà Li Jiuying, số phận mờ mịt về người anh trai Li Guohai có mặt trên chuyến bay hôm 8/3/2014 khiến bà luôn có cảm giác nặng nề khi phải nói dối người mẹ già yếu. Mẹ bà Li tin rằng con trai mình đang bận công tác và chưa về được.
Một năm sau ngày phi cơ của hãng Malaysia Airlines biến mất, người thân của các hành khách xấu số vẫn mắc kẹt trong nỗi đau.
Ông Li Hua, 58 tuổi, chỉ mới hồi phục gần đây cánh tay trái sau lần đột quỵ vào năm ngoái.
"Giờ, tôi cảm thấy ốm yếu lắm. Tôi nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng... tại sao? Tôi cần phải sống vì vợ và cuộc chiến vì sự thật. Chẳng có gì tương tự như thế", ông Li vừa nói vừa đốt hết điếu này đến điếu thuốc khác.
Nhưng sự thật về vụ tai nạn hàng không lạ lùng này vẫn chưa có lời giải đáp cho các thân nhân, trong khi ngày kỷ niệm một năm sau thảm kịch sắp tới gần. Việc chiếc Boeing 777-200 mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh được xem là một trong những bí ẩn khó hiểu nhất của ngành hàng không.
Cuộc tìm kiếm kéo dài cả năm trời ở phạm vi phía nam xa xôi của Ấn Độ Dương, hiện tập trung dò dưới đáy biển bằng thiết bị tìm tàu ngầm kỹ thuật cao, vẫn không đem lại kết quả gì. Giới chức hàng không thế giới tháng trước yêu cầu giám sát máy bay từng phút để tránh thảm kịch tương tự xảy ra. Việc này sẽ bắt đầu trên toàn cầu vào năm tới.
"Một hố đen"
Suốt nhiều tháng, giới chức Malaysia không tiết lộ thêm thông tin gì mới và tháng một vừa rồi, họ tuyên bố sự biến mất của chiếc Boeing 777-200 là một bí ẩn. Cả chính phủ Malaysia và hãng Malaysia Airlines đều khẳng định họ rất minh bạch trong việc cung cấp thông tin, và tham gia vào cuộc tìm kiếm. Cả hai phía đều từ chối trả lời phỏng vấn. Nhiều thân nhân hành khách ngờ rằng toàn bộ sự thực vẫn chưa được công khai.
Các gia đình Trung Quốc được xem là đau đớn hơn cả bởi số người mang quốc tịch nước này chiếm 2/3 số hành khách có mặt trên máy bay. Nhiều nhà mất đi đứa con độc nhất.
Hơn 20 thân nhân người Trung Quốc có mặt ở Malaysia từ tháng trước để ép giới chức sở tại phải có câu trả lời, nhưng đã bị từ chối. Nhiều người than mất ngủ, mất cảm giác muốn ăn, bị hoảng sợ, tăng huyết áp hay gặp các vấn đề về tim. Một số cho biết họ đã không về nhà kể từ ngày 8/3 năm ngoái.
"Làm sao chúng tôi có thể về nhà được chứ? Chúng tôi sẽ trông thấy những đồ vật của nó. Thật quá đau lòng", ông Wang Rongxuan, 60 tuổi, mất con trai 37 tuổi, Hou Bo, tâm sự.
Không chấp nhận sự thực con trai đã chết, ông Wang bật khóc và khăng khăng rằng Hou sẽ trở về.
Nhiều gia đình có thân nhân đi chuyến MH370 đang phải chịu đựng cái gọi là "nỗi mất mát mơ hồ", bởi sự biến mất của những người thân yêu của họ không để lại chút manh mối về những gì đã xảy ra.
"Mọi người chết sững ở thời điểm người thân mất tích. Cách duy nhất giúp nhiều người vượt qua là chấp nhận điều mà họ có thể không bao giờ biết. Việc đó thực sự khó khăn và mất thời gian", Sarah Wayland, chuyên gia tư vấn cho gia đình của những người mất tích ở Sydney, Australia, cho hay.
Theo ông K.S. Narendran, cố vấn kinh doanh ở Ấn Độ có vợ là bà Chandrika Sharma đi chuyến MH370, các gia đình đang ở trong một "hố đen" và bị nỗi đau giày vò. Họ không thể hàn gắn được nỗi đau ấy cho tới khi số phận về chiếc máy bay được rõ ràng. Sự lo lắng, căng thẳng và cả nỗi buồn khiến chứng đái tháo đường của ông ngày càng thêm trầm trọng.
"Nhiều nhà tin người thân yêu của họ đã ra đi, nhưng để sự thật ấy lại phía sau để bước tiếp ư? Chúng tôi không biết làm thế nào để đi tiếp", ông Narendran nói.
Bình Minh (theo AFP)