"Thật khó khi phải chuyển đi. Đó là nơi tôi sống lâu nhất trong đời", ông Jinno, 80 tuổi, nói. Khoảng 200 gia đình, trong đó có nhiều người già đã phải chuyển đi để nhường chỗ cho sân vận động. "Họ không nói 'ông được yêu cầu di chuyển, xin vui lòng hợp tác'. Họ nói với tôi rằng 'đang có thế vận hội, ông phải chuyển đi".
Jinno đến một nơi khác sống, nhưng những hàng xóm thân quen đã mỗi người một nơi.
"Tôi mong họ hiểu cảm giác của chúng tôi. Vợ chồng tôi nhận được 170.000 yên (khoảng 35 triệu đồng) tiền hỗ trợ. Từng đấy tiền thì làm được gì. Tôi chỉ biết cười. Phải một triệu yên mới đủ tiền chuyển nhà", ông than thở
Một quan chức Tokyo cho biết, 170.000 yên là khoản hỗ trợ tiêu chuẩn trong trường hợp của ông Jinno. "Theo quy định thì quan chức phải rất lịch sự, nhưng một số người lại có vẻ lạnh lùng", vị này nói.
Ông Jinno là con thứ tư trong gia đình chín anh em, sinh ra ở Kasumigaoka (nay là Omotesando), trung tâm Tokyo. Khi ngôi nhà bị cháy trong Thế chiến thứ hai, gia đình đã chuyển đi cách đó 20 mét.
Trước thế vận hội năm 1964, gia đình ông bị yêu cầu chuyển nhà để nhường đất xây sân vận động và công viên. Khu nhà lát đá, có cây xanh bao phủ bị chặt bỏ. Một con sông gần đó cũng bị vùi trong bê tông.
Jinno làm nghề rửa xe, sống cùng vợ và hai đứa con trong một căn phòng nhỏ. Năm 1965, ông chuyển đến khu nhà ở công cộng và mở lại cửa hàng thuốc lá. "Tôi không bao giờ hết người để nói chuyện. Tôi đặt một cái ghế dài ra, ba hoặc bốn người cùng ngồi. Bọn trẻ sẽ đến nói chuyện, xin lời khuyên nếu chúng gặp khó khăn", ông kể.
Sau thông báo trục xuất năm 2013, họ chuyển nhà năm 2016. Việc di chuyển rất khó khăn, đặc biệt với Yasuko, vợ ông. "Bà ấy cô đơn và chán nản", người chồng nói. Yasuko mất cuối năm 2013, ở tuổi 84.
Vài tháng một lần, ông Jinno, đang ở cùng con trai, lại về thăm khu phố cũ. Đối diện với sân vận động lấp lánh và ngay phía trên ngôi nhà cũ đã bị phá bỏ của ông là công viên nhỏ, với các vòng tròn Olympic, nơi du khách tạo dáng, mỉm cười khi chụp ảnh.
Đến đây, chứng kiến những đổi thay, tim ông đập mạnh. "Tôi nghĩ mình sinh ra và lớn lên ở đây. Khi nhìn những hàng cây dọc con phố không chút đổi thay, tôi nhớ lắm và cảm thấy cô đơn, buồn bã", ông Jinno, bày tỏ.
Dù vì Olympic mà cuộc sống xáo trộn, ông Jinno vẫn hy vọng nó thành công và buồn khi đại dịch khiến hoạt động này tạm dừng.
Nhật Minh (Theo Reuters)