Sáng mùng 6 Tết (27/1), đông đảo người thân, nhiều thế hệ đồng nghiệp có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông tiễn biệt nghệ sĩ. Trước giây phút chia xa, Lê Vi đọc bức thư gửi bố: "Chúng con trân quý nhân duyên đời này được làm con của bố, để cả ba chúng con đều có được chút danh phận trên con đường nghệ thuật".
Lê Vi từ Pháp trở về Việt Nam, ở bên cạnh bố trong những ngày cuối đời. Chị kể được ôm lưng còng của bố, bón từng miếng cho ông ăn. Ba chị em thủ thỉ chuyện ngày xưa để xua tan đi tiếng thở khò khè mệt nhọc của bố. "Cảm ơn bố đã đợi con về để chị em chúng con lần cuối được quây quần bên bố vào giây phút giao thừa, đón chào năm mới trước khi nói lời ly biệt", chị nghẹn ngào nói.
Khi mọi người đi vòng quanh linh cữu nghệ sĩ lần cuối, Lê Khanh cất giọng ngâm những câu thơ trong bài Di chúc do ông ngoại - nhà thơ Lê Đại Thanh (1907 - 1996) - sáng tác:
"Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ
Hãy nhớ đến tôi một Trần Tiến thế thôi
Chết là trở về tinh thể sao trời
Trả Trái Đất những gì vay mượn trước
Chào những bộ hành tuổi xanh xuôi ngược
Tôi xuống ga đời trả lại vé quê hương"
Câu "Hãy nhớ đến tôi một Trần Tiến thế thôi" trong bản gốc là "Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi", được Lê Khanh sửa lại, dành riêng cho bố. Giây phút giọng chị vang lên, nhiều người rơi nước mắt vì xúc động.
Trong ký ức của nhiều thế hệ đồng nghiệp, nghệ sĩ Trần Tiến tài năng trên sân khấu, hóm hỉnh ở ngoài đời. Trần Lực nhớ lại năm bảy tuổi, lần đầu được đi xem kịch tại Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô), nghệ sĩ Trần Tiến đóng ông Đại Cát trong vở hài kịch Quẫn. Nghệ sĩ hóa thân chân thật, hài hước khiến anh thích thú. Trần Lực mơ ước được trở thành diễn viên, được đóng vai Đại Cát và làm cho khán giả cười như cách nghệ sĩ Trần Tiến đã làm. Sau này, bất cứ khi nào ông có vở diễn mới, Trần Lực đều đi xem.
"Tiếc nuối lớn nhất của tôi là chưa được hợp tác chú Tiến trong bất kỳ vở diễn nào. Chú là một nghệ sĩ lớn. Nghệ thuật trong chú như bản năng, ăn sâu vào máu thịt nên biến hóa tự nhiên, diễn như không diễn", anh nói.
>>> Đồng nghiệp tiễn biệt nghệ sĩ Trần Tiến
Nghệ sĩ Quốc Tuấn nói những năm 1980, 1990, anh nhiều lần được bố cho vé đi xem kịch, trong đó có nhiều vở NSND Trần Tiến đóng chính. Nhiều lần, không có vé, anh và bạn trèo ống máng ở Nhà hát Lớn, xem trộm các vở như Quẫn, Hồn Trương Ba, da hàng thịt. "Với tôi, nghệ sĩ Trần Tiến và các diễn viên thế hệ ông đều sống hết mình cho nghệ thuật. Mỗi lần lên sân khấu, họ như biến thành con người hoàn toàn khác, thể hiện một loại hình đậm chất học thuật, hàn lâm", Quốc Tuấn nói.
Sau này, Quốc Tuấn từng công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ với Lê Khanh 10 năm, đóng phim Đất lành cùng Lê Vi. Anh nói: "Các con nghệ sĩ Trần Tiến đều thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố, nhiều khi khiến tôi choáng khi nhập vai và luôn đau đáu với mỗi nhân vật".
Nghệ sĩ Doãn Châu nhận định nghệ sĩ Trần Tiến là một trong những diễn viên kịch xuất sắc của Việt Nam. Ông biến hóa đa dạng, từ hài kịch đến chính kịch như: Đại Cát trong Quẫn, Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Đế Thích vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hoài Nghi kịch Chuông đồng hồ điện Kremlin... "Ông ấy có năng khiếu trời cho về diễn xuất. Bây giờ rất khó để tìm được diễn viên kịch như vậy", Doãn Châu nói.
Ông nhớ thời đi sơ tán chung, mỗi lần đi săn được đồ ngon, Trần Tiến đều bảo con gái Lê Khanh đi mua rượu. Sau đó ông trải chiếu ra hiên, gọi Doãn Châu sang cùng nhâm nhi, tâm sự. Trần Lực cho biết ngoài đời, nghệ sĩ Trần Tiến nổi tiếng hài hước, hóm hỉnh và lạc quan. Lần cuối anh gặp ông, dù không còn khỏe mạnh, ông vẫn cười rạng rỡ, hỏi thăm chuyện nghề, cuộc sống. "Chú ấy vui lắm. Chú quan niệm cuộc đời là một cuộc vui, vì thế chẳng biết giận ai, thù hằn ai bao giờ", anh nói.
Hiểu Nhân - Hà Thu