Tại biên giới Kapıkule giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, Bitcoin không được chấp nhận khi thanh toán phí nộp đơn xin visa bắt buộc. Tuy nhiên, nhà Taihuttu không nản lòng. Gia đình Hà Lan này đỗ chiếc xe được dán kín logo Bitcoin trên lề đường cao tốc, tìm cách thanh toán bằng tiền số.
Suốt 4 năm qua, gia đình này chỉ sống bằng Bitcoin. Đầu năm 2017, sau khi bán hết tài sản, từ tài khoản lương hưu đến xe hơi, quần áo, đồ chơi, họ đặt cược tất cả vào tiền số và đi du lịch vòng quanh thế giới. Khi đó, mỗi Bitcoin có giá 900 USD.
Họ đã cam kết không bao giờ trả tiền cho dịch vụ hay hàng hóa nào nữa, trừ phi giao dịch được thực hiện bằng Bitcoin. Vì thế, "chúng tôi đã đợi đến khi tìm được người chấp nhận Bitcoin", Didi Taihuttu – ông bố của gia đình cho biết khi đợi tại biên giới.
Sau khi giải thích cho người này về giá trị của tiền ảo, Taihuttu chuyển một Bitcoin vào điện thoại của anh ta và nhận về tiền mặt. "Với số tiền này, chúng tôi đã có được visa", Taihuttu cho biết, "Vợ con tôi không vui vẻ lắm, nhưng nếu bạn muốn sống một cuộc sống Bitcoin, bạn phải chấp nhận lúc thăng lúc trầm thôi".
Kể từ khi đổ hết tài sản vào Bitcoin năm 2017, gia đình họ đã đi tới 40 quốc gia. Việc Bitcoin dần được chấp nhận rộng rãi trong vài năm qua giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Nhưng dù sao, họ vẫn phải rất sáng tạo.
Nhờ kết hợp hàng loạt cách, từ trao đổi, mặc cả, thẻ ghi nợ Bitcoin đến thuyết phục người bán chấp nhận Bitcoin, họ đã đi được phần lớn châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Gia đình này cho biết có hai nơi trên thế giới bạn có thể trả gần như mọi thứ bằng Bitcoin. Đó là thủ đô Ljubljana của Slovenia và một ngôi làng nhỏ ở Italy có tên Rovereto.
Tại Ljubljana, họ thanh toán mọi thứ, từ sửa xe đến vé xem phim bằng Bitcoin. Còn tại Rovereto, bạn có thể mua xe máy, trả thuế hay cắt tóc bằng tiền ảo này.
"Tôi luôn nói với mọi người là ‘Tôi sẽ không cắt tóc cho đến khi tìm được thợ cắt chấp nhận Bitcoin’, Taihuttu cho biết. Sau đó, tôi bước vào hiệu cắt tóc này, ông ấy chấp nhận Bitcoin. Khi đó, tôi như thể là ‘Ôi tôi cần cắt tóc ngay’", anh nói.
Với anh, việc một ngôi làng truyền thống rất nhỏ và thủ đô của một quốc gia chấp nhận Bitcoin là tín hiệu cho thấy việc này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào.
"Tôi cho rằng bất kỳ nước nào, bất kỳ thành phố nào trên thế giới đều có thể chấp nhận Bitcoin làm công cụ cất trữ giá trị, thanh toán, hoặc trao đổi ngang hàng với tiền mặt", Taihuttu nói, "Việc này đã khuyến khích chúng tôi tiếp tục khám phá thế giới".
Đầu tuần trước, giá Bitcoin lên cao nhất mọi thời đại, với 19.920 USD một đồng. Một số nhà phân tích nói rằng tiền ảo còn nhiều dư địa để tăng mạnh nữa.
Mike Novogratz - CEO công ty đầu tư Galaxy Digital cho rằng đà tăng này chỉ mới bắt đầu. Ông dự báo Bitcoin có thể lên 60.000 USD năm tới. Tom Fitzpatrick – Giám đốc Toàn cầu CitiFXTechnicals thì cho rằng các biểu đồ chỉ ra Bitcoin có thể chạm 318.000 USD vào tháng 12/2021.
Vì giá tăng cao như vậy, người ta không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều nhà đầu tư chọn nắm giữ Bitcoin thay vì sử dụng. Theo thống kê của Chainalysis, số tài khoản mua hơn một triệu đôla Bitcoin, sau đó đưa ra khỏi các sàn giao dịch đã tăng 180% trong giai đoạn 2017 – 2020. Số liệu từ Glassnode cho thấy khoảng 95% giá trị Bitcoin nằm trong các ví có hơn một đồng tiền ảo.
Các số liệu cũng chỉ ra nhà đầu tư giàu có ngày càng tham gia nhiều vào cuộc chơi này. Đà tăng năm 2017 của Bitcoin chủ yếu do nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng hiện tại, các tỷ phú nổi tiếng và các tập đoàn cũng đang gom mua Bitcoin.
Khi ngày càng nhiều người chọn nắm giữ Bitcoin, câu hỏi đặt ra là: Bitcoin là tiền tệ hay hàng hóa? Nó có thể được dùng để mua, bán và định giá sản phẩm. Các fintech lớn như PayPal hiện cũng cho phép người dùng thanh toán bằng Bitcoin. Tức là Bitcoin vẫn là một loại tiền tệ.
Dù vậy, diễn biến của Bitcoin lại giống vàng và dầu thô. Giá trị biến động lớn, có sàn giao dịch riêng, có cả thị trường phái sinh. Vì thế, Bitcoin phù hợp với cả hai định nghĩa này.
Kể cả Taihuttu – người đã dùng Bitcoin gần 5 năm nay làm công cụ thanh toán duy nhất cũng tin rằng vai trò của Bitcoin đang thay đổi một cách nền tảng. "Tôi cho rằng Bitcoin đang dần trở thành công cụ lưu trữ giá trị nhiều hơn. Chúng tôi coi Bitcoin là vàng số, có thể lưu trữ giá trị. Thỉnh thoảng, giá tăng vọt. Nhưng bạn cũng có thể đem cục vàng đó vào cửa hàng và thanh toán như bình thường", anh nói.
Hà Thu (theo CNBC)