Những ngày đầu tháng 7, người dân thôn Phước Thành (xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), cùng chia sẻ niềm vui với gia đình ông Nguyễn Niết (87 tuổi) và bà Phan Thị Tý (85 tuổi) khi vợ chồng ông và 4 người con đã đoàn tụ.
Tưởng vợ và ba người con đã rơi xuống biển vào năm 1975, ông Niết cùng con trai tới lập nghiệp ở xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) rồi dựng bàn thờ làm giỗ cho vợ và các con còn lại. Về phía người vợ, sau cuộc di tản, bà trở về quê nhà cũng tưởng chồng và con trai đã mất nên làm giỗ suốt 40 năm qua.
Mới đây, nghe tin vợ con còn sống, ông đi từ Khánh Hòa trở về quê nhà, mừng mừng tủi tủi phát hiện đã bỏ lỡ nhau bao nhiêu năm qua.
Ngồi trầm ngâm bên người vợ tóc đã bạc trắng, ông Niết kể, hai vợ chồng ông là người cùng làng, yêu thương rồi kết hôn năm 1958, sinh được 4 người con. Đầu năm 1975, bom đạn bắn phá ác liệt, nhiều người đi tìm nơi khác lập nghiệp. "Hầu hết người dân ở đây đều di tản để được yên ổn làm ăn, chờ ngày chiến tranh kết thúc. Vợ chồng tôi cũng quyết định lên tàu vào Cam Ranh để sinh sống", ông Niết kể.
Đầu tháng 2/1975, vợ chồng ông dẫn theo 4 người con là Ty (16 tuổi), Tuệ (12 tuổi), Huệ (8 tuổi) và Liên (3 tuổi) ra Đà Nẵng để lên tàu vào Cam Ranh.
Tới Đà Nẵng, hàng nghìn người chen chúc lên tàu nhỏ để được ra sà lan đang chờ sẵn ở ngoài khơi. Vừa đặt chân lên sà lan dài cả trăm mét, vợ chồng bà đã không thấy bóng dáng Ty và Huệ. “Lúc đó đã khởi hành nhưng tìm mãi không thấy hai con đâu. Bốn người còn lại trong gia đình dựa vào nhau, nằm mệt lả trên sà lan chỉ mong vào được tới đất liền rồi tính tiếp”, bà Tý gạt nước mắt nói.
Đêm hôm đó, ông Niết chen vào dòng người đông đúc để xin nước uống cho cả nhà. Lúc quay lại thì thấy chỉ còn anh Tuệ đang nằm lả đi vì khát. “Sau khi thấm từng giọt nước lên môi thằng Tuệ để nó tỉnh lại, tôi bế nó đi khắp sà lan tìm vợ và con gái út. Lúc này trên sà lan xác chết nằm ngổn ngang do đói và bị tiêu chảy bởi uống nước biển, hỏi thăm nhiều người thì họ bảo vợ con tôi đã rơi xuống biển”, ông Niết kể.
Tưởng vợ con đã chết, ông cùng anh Tuệ chuyển qua tàu lớn để vào cảng Cam Ranh. Sau nhiều tháng sống lang thang, hai cha con ông phiêu dạt đến huyện Khánh Hòa, rồi dựng lán để khai hoang.
“Lúc rời quê hương, cả gia đình sáu người cùng đi, giờ chỉ còn hai cha con. Phần vì không có tiền, phần lại không biết ăn nói với người thân, hàng xóm như thế nào nên tôi chỉ muốn quên đi quá khứ. Suốt 40 năm qua, tôi không dám về quê hương để đối mặt với họ”, ông Niết nghẹn ngào.
Ông lấy bức ảnh trong thẻ căn cước của người vợ mà ông còn mang trên người để làm ảnh thờ, lấy ngày 12/2 âm lịch hàng năm làm giỗ. Vài năm sau, ông kết hôn với một người phụ nữ địa phương, có với nhau 3 người con.
Nhớ lại ngày định mệnh đó, bà Tý kể, vì đợi chồng đi xin nước quá lâu, trong lúc hai người con đang lả đi vì khát nên bà phải gượng dậy bế cô con gái 3 tuổi đi xin từng giọt nước. Lúc quay lại, bà không thấy anh Tuệ đâu nữa, bà vừa khóc vừa bế con gái chạy khắp sà lan để tìm.
“Ngoài khơi thi thoảng lại có tàu lớn cập vào sà lan để cung cấp nước đồng thời đón từng tốp người vào đất liền. Lúc này, tôi cũng không biết chồng con có lên tàu vào đất liền hay đã rơi xuống biển. Không biết xử trí thế nào, hai mẹ con chỉ còn cách ngồi đợi trên sà lan hơn một ngày”, bà Tý nói. Khi cập cảng, bà mới hay đã lưu lạc đến Vũng Tàu. Lạc mất chồng, không còn tiền, bà quyết định bế con quay trở về Quảng Nam sinh sống.
Suốt hai tháng vừa đi bộ vừa xin xe quá giang, hai mẹ con bà mới về đến nhà. “Lúc đầu, tôi cũng không tin chồng và con đã chết. Chiến tranh kết thúc, những người cùng lên đường di tản hồi đó đều lần lượt trở về. Nghe lời người thân, tôi đi xem bói thì người ta bảo chồng và con trai đã mất nên tôi cũng lập bàn thờ rồi làm giỗ suốt 40 năm”, bà Tý nói.
Về hai người con lạc lúc vừa khởi hành, chị Ty, sau khi lưu lạc vào tới Cam Ranh, đã tự tìm đường trở về nhà sau gần 3 tháng. Còn anh Huệ, lúc này mới hơn 8 tuổi,cũng đi lạc vào Khánh Hòa và bị trúng đạn. Người lạ đưa anh vào Sài Gòn để chữa trị rồi anh may mắn được một gia đình ở đây nhận làm con nuôi. 5 năm sau, anh nhớ ra địa chỉ ở quê rồi được cha mẹ nuôi đưa đi tìm. Anh ở với mẹ đẻ 2 tháng rồi tiếp tục vào Sài Gòn sinh sống cùng cha mẹ nuôi từ đó đến nay.
Giữa tháng 5 vừa qua, chị Liên, cô con gái út nay đã 43 tuổi, được người quen đang làm việc tại UBND xã Quế Thuận báo tin cha cô vẫn còn sống.
"Hôm đó có anh Hải về xã xác minh lý lịch của cha để vào Đảng. Anh Hải nói có cha tên là Nguyễn Niết, quê ở xã này nhưng chuyển vào sống ở Khánh Hoà nhiều năm nay", ông Bùi Tuần, Chủ tịch UBND xã Quế Thuận, nhớ lại.
Cán bộ xã đã lật hết hồ sơ nhưng vẫn không tìm ra người nào còn sống trùng với lời khai của anh Hải nên không thể xác minh được. Mấy ngày sau, mọi người mới nhớ ra cha của chị Liên đã mất tích có nhiều đặc điểm trùng khớp.
Cán bộ xã đã thông báo cho chị Liên biết để liên lạc với anh Hải. Chị Liên cùng với chị cả, chị Ty, lập tức lên xe đò vào Khánh Hòa. “Vào đến nơi chúng tôi nhận ra nhau liền, ôm nhau khóc nức nở. Trong nhà của cha còn có bàn thờ với tấm ảnh của mẹ”, người con gái đầu nay tóc đã bạc nói.
Mấy ngày sau, ông Niết lên đường về lại Quảng Nam sau 40 năm. “Tôi cũng đang có vợ con ở trong kia nhưng sẽ ở đây đoàn tụ với gia đình ngoài này vài tháng rồi mới vào lại. Chỉ mong sống thêm được nhiều năm, còn sức khỏe để tiếp tục đi xe về quê thăm vợ con”, ông Niết chia sẻ.
Tiến Hùng