- Mẹ ơi, sao con không có ba giống các bạn vậy mẹ?
- Sao con lại hỏi vậy. Hàng tháng con vẫn đi thăm ba đó thôi.
- Nhưng sao ba không ở nhà với con như các bạn?
- Vì ba con phải đi công tác, cho nên không ở nhà được. Mai mốt ba sẽ về ở nhà mãi với con".
Đó là mẫu đối thoại giúp hình thành những khái niệm đầu tiên trong tôi về một gia đình, năm ấy tôi chừng 2-3 tuổi. Ba tôi là một phạm nhân sau khi tôi chào đời được 7 ngày, ký ức tuổi thơ là những bình minh tờ mờ của một vài buổi sáng nào đó, tôi theo mẹ bắt xe đò đi thăm nuôi ba. Cũng nhờ những chuyến xe ấy mà sau này khi lớn lên tôi hầu như đi xe không bao giờ bị say. Gia đình ngày ấy chỉ là sự điểm danh của đủ đầy những nhân vật ba - mẹ và các con miễn sao cho giống như bè bạn. Tôi đâu biết mình có cả một chặng đường dài sau này để đi tìm định nghĩa đích thực của hai từ giản đơn ấy. “Gia đình”, liệu có dành cho tôi không?
Ba tôi đã có một sự trở về ngắn và ra đi dài hơn những gì mẹ tôi nghĩ. Nghèo khổ, cùng quẩn, mặc cảm, trách cứ khiến cho cuộc chia lìa không có hạn kỳ và cứ thế mà thành ra mãi mãi. Mái nhà tranh không giữ được chân người, đoạn ký ức hạnh phúc nhỏ bé không đủ khỏa lấp những biến cố lớn lao ập đến. Là vì mẹ không thể giữ được ba hay vì lòng ba thật sự chưa bao giờ ở lại. Câu chuyện người lớn khi ấy hoang mang như câu hỏi “Con muốn đi với ba hay ở lại với mẹ?”. Gia đình bấy giờ chỉ đơn giản là “ Con thương mẹ, con không thương ba”.
Thời gian kiêu hãnh bán vé thu phí trên con đường độc đạo mà ai cũng phải đi qua. Mẹ tôi để lại hai mươi năm thanh xuân, đắp đổi bằng những tháng ngày cơ cực. Chỉ có bình nhiên liệu luôn cháy mãi không cạn chính là tình yêu thương dành cho con cái và những lời tiên tri của những cố chú thầy bói được trả tiền để phán rằng: “Chị khổ bây giờ thôi nhưng về già sẽ không khổ nữa. Ông trời có bao giờ phụ kẻ có công đâu?”. Tương lai với người phụ nữ lao động chỉ giản đơn là thế. Tôi nhớ da diết những buổi chiều, bên mâm cơm chỉ có ba con người quây quần. Không có ba nhưng vẫn đủ đầy dư vị chua, cay, mặn, ngọt. Mẹ tôi là một đầu bếp giỏi, và với bao tử của một đứa trẻ vô tư, gia vị của nồi thịt kho không bao gồm cả những buồn vui của người lớn. Tôi lớn lên với dòng kỷ niệm gắn liền bên cạnh mẹ. Với hầu hết mọi người, căn nhà chính là mái ấm. Với tôi, bất cứ nơi nào dù là những chỗ ở tạm bợ nay ở mai đi, sáng thay chiều đổi. Chỉ cần có mẹ, nơi ấy được mặc nhiên chỉ định chính là mái ấm của tôi.
Nhưng số phận của mỗi con người không phải là bàn cân để có thể xác định cho đúng định lượng giữa trả hay vay. Bài học lớn tôi đã học trong đời chính là sự “chấp nhận”. Người ta phải biết chấp nhận để kịp nhận ra họ đang có gì và để cho sau này không phải hối tiếc vì những hạnh phúc mỏng manh đã trôi tuột qua tay đi mãi. Mẹ tôi đã kết thúc cuộc hành trình tìm kiếm và chờ đợi bằng sự vội vã khi cuộc sống của chúng tôi đang bắt đầu khá hơn một chút. Nhà tiên tri có lẽ đã sót tên mẹ trong một lần điểm danh nào đó. Tôi tự hỏi có bao giờ mẹ đã thật sự hạnh phúc chưa?
Nếu lời đồn đoán về kiếp sau là sự thật, tôi tin là có một mái ấm hạnh phúc đang chờ mẹ. Một nơi dù buồn vui hay sướng khổ, người ta cũng sẽ không buông tay nhau trong những nỗi chia lìa lặng lẽ đến xót xa.
Giờ đây, một tôi trưởng thành không còn loay hoay đi tìm giá trị đích thực của gia đình hạnh phúc ở tương lai. Nơi thân thuộc đi về không cố định như mái nhà xưa chỉ cần nơi đó có mẹ. Tình cảm bè bạn, gia đình bé nhỏ còn sót lại từ người anh duy nhất. Rồi công việc, đồng nghiệp… tôi đã biết bằng lòng với những gì đang có. Những điều đó có thể bé nhỏ, mong manh như bao điều đã từng đến lại đi trước đó. Nhưng chí ít tôi đã có một định nghĩa mới của riêng mình. Nếu ngày xưa với tôi có mái ấm rồi mới biết yêu thương, mới nghĩ đến một gia đình. Thì giờ đây, tôi cảm nhận một cách thật sâu sắc rằng, nơi nào có yêu thương… nơi đó sẽ chính là mái ấm.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Nguyễn Thị Tú Uyên