Lễ di quan diễn ra ở Nhà tang lễ TP HCM. Trong di ảnh, Phan Vũ đội mũ phớt, đeo đôi kính gọng đen quen thuộc. Gia đình còn treo một bức ảnh chân dung ông - miệng ngậm tẩu thuốc, mắt nheo cười - trên tấm bạt đỏ sau linh cữu. Nhiều vòng hoa được các đồng nghiệp thân thiết gửi đến như Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ... cùng các đơn vị như Hội Điện ảnh TP HCM, Hội nhà văn Việt Nam...
![]() |
Di ảnh thi sĩ Phan Vũ. Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ mất sáng 17/7 ở TP HCM vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 93 tuổi. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trên bàn thờ, gia đình ông đặt cuốn sách vừa được xuất bản về ông - tập văn xuôi Ly rượu trần gian (Nhã Nam ấn hành). Sách do nhà báo Nguyễn Trọng Chức tập hợp các bài tạp bút, tản văn, bài viết chân dung, báo chí cùng hai truyện ngắn của Phan Vũ - từng in trên một số báo, tạp chí. "Cuốn sách như một nén hương các đồng nghiệp gửi đến ông", chị Nga Phan - con gái cố thi sĩ - cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Chức thay mặt gia đình, đọc lời tiễn biệt. "Chúng tôi có duyên may gặp nhau. Tôi làm báo và biết anh đã 30 năm, may mắn được anh xem như người bạn vong niên, cùng chia sẻ những ngọt bùi. Đó là một con người đa đoan, tài năng, khuấy động tất cả lĩnh vực ông tham gia. Từ lúc tôi còn bé, tên tuổi ông đã tạo dấu ấn rất lớn trong các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, với nhiều kịch bản phim, đạo diễn truyền hình... Trong lĩnh vực thi ca, Em ơi, Hà Nội phố của ông đã đi vào lòng nhiều thế hệ", ông nói.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức đại diện gia đình nói lời tiễn biệt ở tang lễ Phan Vũ. Video: Thành Nguyễn.
Qua thời gian tiếp xúc, Nguyễn Trọng Chức bị Phan Vũ cuốn hút nhiều hơn cả ở hội họa. Theo ông, tranh cố nghệ sĩ hồn nhiên, vụng dại... Đó không phải là sự vụng dại cố tình, bởi không phải ai cũng làm được như thế. Ông từng giúp thi sĩ tổ chức hai triển lãm, trong đó có một triển lãm ở Đà Nẵng - quê gốc của Phan Vũ. Ngoài trường ca Em ơi, Hà Nội phố, ông còn để lại tập thơ Ta còn em. Trong đó, Nguyễn Trọng Chức tâm đắc với bài thơ chân dung Tự họa về ông, về một con người suốt đời đi tìm cái đẹp.
"Thưa anh Phan Vũ, chắc anh không có trăng trối vì đã sống cuộc đời quá toàn bích. Tôi xin mượn ý một câu thơ của anh thay lời tiễn đưa: Ta còn Phan Vũ/ Một màu xanh thời gian", ông Nguyễn Trọng Chức phát biểu.
![]() |
NSƯT Thành Lộc đến trước giờ di quan, thắp hương cho tiền bối từng nâng đỡ anh từ những ngày đầu vào nghề. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Chị Nga Phan cho biết Phan Vũ an nhiên đón nhận quy luật sinh tử. Sức khỏe ông xuống dốc từ từ, như ngọn đèn lịm dần trước khi tắt. Vài hôm trước khi mất, chị Nga còn nghe bố nói nhỏ trong cơn mê man: "Thôi kệ, biết làm sao được". Theo chị, từ lâu, cố thi sĩ đã chấp nhận việc một ngày ông ra đi. Nhiều lần, khi cùng bố vào bệnh viện, thấy những người già nằm liệt giường, chị Nga khẽ nói ông nên chuẩn bị tinh thần sau này sẽ như thế. Khi đó, ông đáp rằng chỉ muốn ra đi một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng. "Thời trẻ, bố tôi rất hào sảng. Đến tận những ngày cuối đời, ông nói vẫn muốn sống đến hơn 100 tuổi, nhưng thâm tâm đã chấp nhận mình có thể ra đi bất cứ lúc nào", chị Nga kể.
* Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt Phan Vũ
Theo con gái, thi sĩ Phan Vũ không còn di nguyện nào dang dở. Vài năm gần đây, ông gần như ngừng hẳn sáng tác, chỉ chuyên tâm vào hội hoạ, song cũng chỉ là vẽ cho thỏa đam mê. Triển lãm tranh Em ơi, Hà Nội phố và tập thơ Ta còn em - ra mắt năm 2018 - là hai di sản cuối cùng của ông.
![]() |
Bà Diễm Chi - vợ cố thi sĩ - đại diện gia đình nói lời cảm tạ. Ảnh:Thành Nguyễn. |
Nhà báo Diễm Chi, vợ tác giả, nói lời cảm ơn: "Sinh thời, anh Phan Vũ được mọi người rất yêu mến. Có lẽ hôm nay, anh cũng rất hạnh phúc khi chứng kiến bạn bè tề tựu. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ." Người vợ nghẹn ngào khi cố kìm sự xúc động trước các đồng nghiệp, bạn bè của chồng.
Sau lời cảm tạ của gia đình, từng người xếp hàng thắp nén hương tiễn đưa cố nghệ sĩ. Khoảng 7h, nghi thức di quan diễn ra. Linh cữu được hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9.
Thanh Lam hát 'Em ơi Hà Nội phố' (thơ: Phan Vũ, nhạc: Phú Quang) trong phim "Xích lô" (1995).
Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh. Năm 1954 ông làm việc tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ định cư ở TP HCM. Ông là đạo diễn của Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại... Kịch bản sân khấu Lửa cháy lên rồi của ông từng đoạt giải nhì của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1955. Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn miệt mài làm việc. Tháng 4/2018, nhà thơ ra mắt tuyển tập Ta còn em. Tháng 7/2018, ông mở triển lãm tranh Em ơi, Hà Nội phố tại TP HCM, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu.
Mai Nhật