Tại Đông Nam Á, chi phí này xấp xỉ Jakarta (1.732 USD), thấp hơn Bangkok (2.304 USD), Manila (2.209 USD) và chưa bằng một nửa Singapore (4.025 USD).
Numbeo là nền tảng trực tuyến thành lập năm 2009 tại Serbia, cung cấp dữ liệu về chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và các thông tin liên quan khác ở nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới. Dữ liệu của Numbeo được thu thập từ người dùng thông qua các khảo sát trực tuyến, mang tính chất tham khảo cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các lao động nước ngoài.
Chi phí 1.746 USD mỗi tháng cho gia đình 4 người tại TP HCM được Numbeo tính toán dựa trên công thức với các giả định thói quen chi tiêu trung bình. Theo đó, chi phí không gồm thuê nhà, không có trẻ em đi nhà trẻ và học trường tư thục.
Các thành viên không hút thuốc, không sử dụng ôtô hay taxi, mua sắm quần áo, đồ uống có cồn ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, họ yêu thể thao và điện ảnh, với giả định cả 4 đều có thẻ thành viên dịch vụ tập luyện, đi xem phim một lần mỗi tuần.
Đặc biệt, ăn uống tại nhà và bên ngoài chiếm 65% chi phí, tương đương 28,7 triệu mỗi tháng cho 4 người, với điều kiện 10% thời gian là ăn ngoài. Khi ăn ngoài, 50% lựa chọn là ăn nhà hàng hạng sang. Trong khi đó, ăn uống tại nhà một tháng tốn 20,8 triệu đồng, nếu đồ ăn nấu theo kiểu Tây.
Do vậy, chi phí do Numbeo đưa ra phù hợp để tham khảo cho gia đình nước ngoài chuyển đến TP HCM sinh sống. Nếu họ cần thuê căn hộ 3 phòng ngủ khu vực trung tâm thì mỗi tháng sẽ tốn thêm 1.157 USD và ngoài trung tâm là 632,41 USD. Từ đó, tổng chi phí hàng tháng dao động 2.000 USD - 2.900 USD.
Theo Numbeo, so với New York, chi phí sống cho gia đình 4 người tại TP HCM rẻ hơn 70,5% nếu không phải thuê nhà và thấp hơn 88,3% nếu có thuê nhà. Riêng với người đơn thân không cần thuê nhà thì chi phí sống tiêu chuẩn tại địa phương này khoảng 12,6 triệu đồng.
Cũng sử dụng bộ công thức của Numbeo, một gia đình 4 người bản địa nấu ăn tại nhà theo phong cách châu Á thì tổng chi phí hàng tháng chỉ 37 triệu đồng, tương đương hơn 1.460 USD, nếu không thuê nhà.
Chi phí có thể giảm xuống hơn nữa, còn 32,7 triệu đồng nếu mức sống dè sẻn, bao gồm chỉ ăn ngoài 10% và không ăn sáng, không ai đăng ký hội viên dịch vụ tập luyện, mỗi người chỉ xem phim 2 lần mỗi tháng. Các chi tiêu cho cà phê tại quán, quần áo, rượu bia cũng thấp hơn trung bình.
Dựa theo công thức tính này của Numbeo, chi phí sống trung bình cho gia đình 4 người tại các thành phố khác của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng xấp xỉ 35 triệu đồng mỗi tháng nếu không thuê nhà. Chi phí sẽ tăng lên xấp xỉ 60 triệu đồng nếu cần thuê căn hộ 3 phòng ngủ khu vực trung tâm.
TP HCM là địa phương được nhiều người lựa chọn làm nơi sinh sống nhất năm 2023 tại Việt Nam, theo xếp hạng của PAPI thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Theo Avison Young Việt Nam, thành phố này từ lâu là một trong những nơi cư ngụ lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và thu hút nhiều thế hệ dân cư từ mọi miền đất nước. Một số lý do chủ yếu khiến người dân muốn di cư đến TP HCM là nhiều cơ hội nghề nghiệp, dịch vụ công tốt hơn và ít thiên tai hơn.
Trên bình diện cả nước, đầu tháng này, báo cáo các điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài làm việc (Expat Insider 2024 Ranking) của InterNations tiếp tục xếp Việt Nam đứng đầu 53 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát về nơi chi phí sống rẻ nhất với lao động nước ngoài năm thứ 4 liên tiếp. Chi phí sinh hoạt chung được 86% lao động nước ngoài đánh giá tích cực, hơn gấp đôi trung bình toàn cầu.
Dỹ Tùng