Thứ bảy, 18/1/2025
Chủ nhật, 19/8/2018, 00:00 (GMT+7)

Gia đình 35 năm khắc khuôn bánh Trung thu ở Hà Nội

Theo nghiệp gia truyền, ông Bản 35 năm nay vẫn làm khuôn bánh Trung thu dù thị trường đang thu hẹp dần.

Gia đình ông Trần Văn Bản (53 tuổi) ở xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) 35 năm nay theo nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. Công việc bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 8 (âm lịch) hằng năm.

Mỗi khuôn bánh trung thu ông làm ra có một hình thù khác nhau và trải qua nhiều công đoạn. “Đầu tiên, phải pha chế khúc gỗ nguyên khối thành khuôn ban đầu theo mẫu khách hàng đặt”, ông Bản nói.

Khúc gỗ này sau đó sẽ được cưa, xẻ tùy theo kích thước tính trước. Có nhiều loại gỗ được sử dụng, nhưng hiện tại ông chủ yếu dùng gỗ xà cừ.

Khuôn gỗ được ông Bản đo đạc cẩn thận theo kích thước mà khách hàng yêu cầu.

Nguồn gỗ để làm khuôn bánh được gia chủ trực tiếp thu mua trong làng và khu vực trung tâm Hà Nội khi xà cừ già chết hoặc bị chặt hạ phục vụ các dự án giao thông.

Miếng gỗ sau khi đo đạc sẽ lên bàn khoan để tạo hình múi bánh.

“Trước đây chưa có máy thì việc làm phẳng phần bên trong của khuôn bánh phải mất cả ngày, có khi còn hỏng việc. Nhưng giờ chỉ cần chưa đầy một phút là đã làm xong”, ông Bản kể.

Công đoạn tỉ mỉ nhất của làm khuôn bánh trung thu là khắc các đường nét của linh vật, hình trang trí. Khác với những công đoạn trước, việc này phải làm hoàn toàn bằng tay.

Để kiểm tra chất lượng của khuôn, người thợ sẽ dùng đất sét ốp vào khuôn như khi làm bánh thật để so sánh.

Sau khi đã hoàn tất phần lõi, khuôn bánh sẽ được tiện cán để thuận tiện trong việc cầm nắm làm bánh sau này.

Công đoạn cuối cùng là dùng giấy ráp (nhám) đánh cho bề mặt khuôn phẳng mịn. Điểm nổi bật của khuôn gỗ là khi đổ bánh không bị lọt khí, khuôn nhựa hoặc inox dễ bị lọt khí, dẫn đến mốc bánh.

Mỗi năm, gia đình ông Bản làm được khoảng 500-600 chiếc khuôn. Mỗi loại khuôn có giá dao động từ 150.000-300.000 đồng tùy kích cỡ. Khách hàng chủ yếu là những đơn vị làm bánh Trung thu truyền thống.

Gia Chính