Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ bảy, 25/8/2018, 09:12 (GMT+7)

Gia đình 25 năm theo nghề vàng mã ở Hà Nội

Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Trương Phi (Thường Tín, Hà Nội) có thể làm ra nhiều loại sản phẩm vàng mã, tuy nhiên gần đây ông chủ yếu làm ngựa, voi, nhà lầu xe hơi để phục vụ các đền, phủ.

Gia đình ông Nguyễn Trương Phi (55 tuổi, thôn Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) theo nghề vàng mã 25 năm qua. Ngoài 5 người trong gia đình tham gia sản xuất, ông Phi còn thuê thêm 5 người khác trong làng.

Hộ ông Phi là một trong khoảng 170 gia đình làm vàng mã ở thôn Phúc Am. Trong đó có 30 cơ sở sản xuất quy mô lớn. Từ đầu đến cuối làng, du khách luôn bắt gặp cảnh thợ làm vàng mã đang bận rộn với công việc.

“Hàng mã ở làng rất đa dạng, nhưng những năm gần đây chúng tôi chủ yếu làm ngựa, voi, nhà lầu xe hơi để phục vụ các đền, phủ”, ông Phi cho biết.

Khung hàng mã thường làm bằng nứa, lớp bọc bên ngoài là giấy để khi hóa (đốt) sẽ cháy hết. Người thợ đan nứa bằng tay sau đó ghép thành hình nộm mong muốn. Tiếp theo, một lớp giấy trắng được dán bằng hồ vào khung nứa.

Giấy màu, giấy bóng được cắt ghép để đính, lồng vào khung hình nộm vàng mã. Các hoa văn cầu kỳ như “rồng bay phượng múa” được dập bằng khuôn từ trước. 

Hàng vàng mã sau khi hoàn thiện được xếp gọn gàng để chờ thương lái đưa xe tải đến chở đi.

Ông Phi cho biết, vàng mã bán quanh năm, tuy nhiên ba tháng cuối năm và ba tháng đầu năm là thời điểm vàng mã bán chạy nhất. “Dịp này mọi người đi lễ hội nhiều, chúng tôi làm không xuể”, ông nói.

Người thợ hoàn thiện một công đoạn cuối của sản phẩm vàng mã.

Mỗi ngày gia đình ông Phi làm được khoảng 5 con ngựa to và nhiều ngựa nhỏ, hình nhân vàng mã... Giá mỗi sản phẩm từ 300.000 đồng đến một triệu tuỳ vào kích cỡ và hoa văn trang trí. 

"Nhờ nghề làm hàng mã mà tôi có thể nuôi sống cả gia đình và xây nhà cửa đàng hoàng", ông Phi chia sẻ.

Gia Chính