Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng điều. Năm 2011 tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm điều đạt 1,4 tỷ USD. Đến hết quý III, xuất khẩu điều đạt 1,08 tỷ USD. Dự ước xuất khẩu điều trong năm nay vừa không đạt chỉ tiêu kế hoạch, giảm so với 2011.
Trong 3 quý đầu năm, diện tích trồng điều bị chặt phá đã lên đến 15.000ha. Không thể không lo ngại khi mà mỗi tháng đi qua, có gần 2.000ha điều bị chặt phá. Trồng điều không có lãi (thậm chí thua lỗ) buộc nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Tình trạng cây điều bị "thôn tính” vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương (nhất là khu vực phía Nam).
Giá điều xuất khẩu hiện thời chỉ còn ở mức hơn 6.000USD/tấn, giảm hơn 30% so cùng kỳ 2011. Theo dự báo của ngành chuyên trách, từ nay đến hết năm, xuất khẩu điều tiếp tục ở trong chiều hướng tụt giảm cả về sản lượng cũng như giá cả.
Sản lượng hạt điều thô 2012 nằm dưới mức 265.000 tấn, so với 2011 giảm hơn 35.000 tấn. Dự kiến niên vụ 2013 sản lượng điều còn giảm mạnh hơn nữa, bởi diện tích trồng điều đang không ngừng bị thu hẹp. Nguồn cung trong nước giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu điều buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Những năm gần đây, mặc dù đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô chiếm tỷ lệ hơn 50%. Dự ước 2012 nhập khẩu nguyên liệu điều lên đến khoảng 400.000 tấn, tăng hơn so với năm ngoái trên 100.000 tấn. Nếu không có nguyên liệu nhập khẩu, ngôi vị số một xuất khẩu điều chẳng bao giờ đến với Việt Nam. Như vậy, nguyên liệu điều dùng để chế biến xuất khẩu đang biến động theo 2 chiều trái ngược: nhập khẩu tăng, khai thác trong nước không ngừng giảm sút.
Chiều hướng giảm giá điều xuất khẩu chưa có dấu hiệu dừng lại. Sản lượng điều nguyên liệu trong nước tăng hay giảm, tỷ lệ nhập khẩu được hạn chế hay vẫn chiếm phần lớn như hiện nay, việc đó hoàn toàn do Việt Nam tự quyết định. Đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhưng phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu, đó là tình trạng đáng lo ngại, cần được khắc phục.
Theo Đại đoàn kết