Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ ngày hôm nay (20/3). Cụ thể, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Quyết định này vừa được ký và có hiệu lực từ 20/3. Mức tăng này đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Trước đó, Chính phủ cũng đã họp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về vấn đề tăng giá khí bán cho điện.
"Việc chốt chỉ số công tơ các hộ tiêu dùng điện sẽ không có gì khó khăn", ông này nói.
Như vậy sau hơn 2 năm kìm giữ, giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng. Chiều nay, Bộ Công Thương sẽ họp báo về tăng giá điện lần này.
Trước đó vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã thông tin về việc dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện vào cuối tháng này. Theo ông, hiện có nhiều yếu tố tác động vào giá điện. Như cơ cấu nguồn, mấy năm gần đây tăng trưởng phụ tải khoảng 10% mỗi năm trong khi tốc độ triển khai các dự án phát điện chậm trễ và để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng ngành điện buộc phải huy động các nguồn giá cao như điện khí, than, diesel.
"Nếu tính đầy đủ các chi phí đầu vào thì lần điều chỉnh này phải ở mức gần 10%, nhưng cân đối yếu tố vĩ mô thì chọn mức tăng 8,36%", một Thứ trưởng Công Thương cho biết.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, giá bán điện hiện có nhiều khung, mức khác nhau cho từng nhóm khách hàng.
Về tác động tới tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%.
Hoài Thu