Chốt phiên giao dịch 5/7, mỗi thùng WTI giảm 8% về 99,5 USD. Trong phiên, giá có thời điểm giảm gần 10% về 97,43 USD. Dầu Brent cũng mất hơn 10% về 101,1 USD, sau đó mới hồi phục và đóng cửa tại 102,7 USD.
Đây là lần đầu tiên WTI về dưới 100 USD kể từ ngày 11/5. Nỗi lo suy thoái là nguyên nhân chính khiến dầu thô hôm qua bị bán tháo, theo Tom Kloza – Giám đốc phân tích năng lượng tại OPIS.
Cho đến gần đây, nhà đầu tư vẫn tin rằng giá xăng dầu có thể duy trì trong ngắn hạn. "Giờ họ ngày càng nhận ra rủi ro suy thoái đang tăng cao và sẽ kéo giá đi xuống", ông nói.
Vài tuần gần đây, lo ngại suy thoái ngày càng lớn, khiến giá dầu giảm mạnh. Một tháng trước, giá dầu Brent là 123,5 USD một thùng, còn WTI là 122 USD.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã lập đỉnh 40 năm trong tháng 6. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75% tháng trước để kiềm chế lạm phát. Điều này làm dấy lên nghi ngại Fed hành động quá mạnh tay có thể khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp và gây ra suy thoái.
Giá xăng dầu toàn cầu tăng vọt năm nay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu áp trừng phạt lên ngành năng lượng nước này. Nga hiện là cường quốc năng lượng của thế giới.
Tuy nhiên, nếu suy thoái xảy ra, nhu cầu sẽ sụt giảm mạnh, kéo giá giảm theo. Khi người lao động thất nghiệp, hoạt động đi làm, mua sắm, du lịch chắc chắn sẽ lao dốc theo.
Hà Thu (theo CNN)