Dầu Brent phiên 11/1 tăng 3,5% lên 83,72 USD một thùng – cao nhất kể từ đầu tháng 11. Dầu thô Mỹ WTI tăng 3,8%, đóng cửa tại 81,22 USD, cũng lên đỉnh 2 tháng. Phiên sáng nay, hai loại dầu này vẫn đang tiếp tục đi lên.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm qua cho rằng tác động kinh tế của Omicron sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Ông kỳ vọng các quý tới sẽ rất tích cực với nền kinh tế.
"Omicron đến nay vẫn chưa tàn phá như Delta và có lẽ sẽ không bao giờ làm được điều đó. Việc này giúp đà phục hồi của toàn cầu vẫn đi đúng đường ray", Jeffrey Halley – nhà phân tích tại hãng môi giới OANDA nhận định.
Giá dầu Brent tăng 50% năm ngoái và tiếp tục đi lên năm nay khi nhu cầu hồi phục về gần mức tiền đại dịch. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng đang tăng dần sản xuất. Dù vậy, năng lực sản xuất của một số thành viên hạn chế khiến nguồn cung không tăng đủ như thỏa thuận. Sự cố gián đoạn gần đây ở Libya càng kéo giá lên cao.
"Tổng hợp các thông tin này lại, chúng ta sẽ thấy nhu cầu mạnh hơn dự kiến và nguồn cung từ OPEC không đủ đã khiến giá đi lên", Phil Flynn – nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận định.
Nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng năm ngoái. Dự trữ dầu thô của các hãng lọc dầu châu Âu hồi tháng 12/2021 cũng giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhu cầu nhiên liệu máy bay của khu vực này lại tăng lên khi hoạt động hàng không trên toàn cầu phục hồi.
Dù vậy, chính phủ Mỹ lại hạ dự báo tăng trưởng sản lượng và tăng dự báo nhu cầu dầu. Sản xuất được kỳ vọng tăng 640.000 thùng một ngày năm nay, thấp hơn dự báo cũ (670.000 thùng). Tổng nhu cầu năm nay có thể tăng 840.000 thùng mỗi ngày.
Hà Thu (theo CNN, Bloomberg)