Giá dầu Brent và WTI hiện đều giảm 0,5%. Mỗi thùng Brent còn 81,6 USD, WTI về 77 USD. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp giá thế giới đi xuống. Hôm 22/5, giá mỗi loại đã mất hơn 1%.
Thị trường đi xuống sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4, cho thấy quan chức Fed chưa vội giảm lãi suất. Một số thậm chí đề cập đến khả năng tăng lãi suất tham chiếu nếu lạm phát tăng trở lại.
Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu, do làm tăng chi phí đi vay, bóp nghẹt số vốn có thể dùng cho tăng trưởng kinh tế.
Một nguyên nhân khác gây sức ép lên thị trường là tồn kho dầu Mỹ tăng 1,8 triệu thùng tuần trước, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Trên toàn cầu, dầu thô gần đây chịu sức ép do nhu cầu lọc dầu yếu và nguồn cung dồi dào. Hôm 22/5, Bộ Năng lượng Nga cho biết họ đã vượt quota sản xuất của OPEC+ trong tháng 4, "do lỗi kỹ thuật" và sẽ sớm trình lên tổ chức này kế hoạch khắc phục.
OPEC+ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh) đã thực hiện hàng loạt đợt giảm sản xuất kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Mỹ và các nước phi OPEC đang tăng cung dầu, trong bối cảnh nhu cầu bị đe dọa khi các nền kinh tế lớn vật lộn với lãi suất cao.
Hãng nghiên cứu Citi Research dự báo OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch giảm sản xuất trong cuộc họp đầu tháng 6. Citi cho rằng giá dầu Brent trung bình trong quý II/2024 sẽ vào khoảng 86 USD.
Ngoài dầu, thị trường vàng hôm qua cũng chịu ảnh hưởng từ biên bản cuộc họp của Fed. Giá vàng giao ngay chốt phiên 22/5 giảm gần 43 USD, về 2.378 USD một ounce. Sang phiên sáng nay, giá tiếp tục đi xuống, hiện còn 2.372 USD.
Hà Thu (theo Reuters)