Hôm qua, dầu Brent giao tháng 9 đã giảm 5,2% xuống 49,52 USD một thùng trên sàn ICE London. Đây là lần đầu tiên giá này xuống dưới 50 USD từ tháng 1. Dầu WTI trên NYMEX cũng mất hơn 4% xuống 45,17 USD. Trong tháng 7, WTI đã mất 21% và là tháng giảm mạnh nhất từ năm 2008.
Đà giảm này sẽ còn kéo dài. "Dư cung trên toàn cầu rất lớn. Bên cạnh đó, mùa thu cũng là thời kỳ nhu cầu dầu thô thường đi xuống. Vì thế, rất khó xác định khi nào giá sẽ tăng trở lại", Michael Wittner - Giám đốc Nghiên cứu Thị trường dầu tại Société Générale nhận xét.
Về mặt nhu cầu, Trung Quốc hiện vẫn là yếu tố ghìm giá hàng hóa trên thế giới. Trong một thông báo, Capital Economics cho biết thị trường chứng khoán nước này sụp đổ trong tháng 7 đã có tác động lên nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc ngày càng yếu đi, nhu cầu hàng hóa sụt giảm cũng khiến giá cả lao dốc theo. Chỉ số sản xuất của nước này vài tháng qua vẫn chưa thể vượt 50 - mốc cho thấy có sự tăng trưởng.
Trong khi đó, về nguồn cung, Ảrập Xêút vẫn tiếp tục nhấn chìm thị trường bằng hoạt động khai thác dầu thô, nhằm đánh bật các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ ra khỏi thị trường. Chiến lược này đã hoạt động, và giá dầu thời gian qua đã dần bình ổn khi nhiều công ty Mỹ đóng cửa giàn khoan và giảm sản xuất.
Bên cạnh đó, Iran sau nhiều năm bị hạn chế xuất khẩu, cũng sắp quay lại thị trường sau khi đạt thỏa thuận hạt nhân với các nước lớn. Bloomberg cho rằng sản xuất nước này có thể tăng thêm 500.000 thùng mỗi tuần trong một tuần sau khi các lệnh trừng phạt chấm dứt. Và sau một tháng, con số này sẽ là một triệu. Trên truyền hình Iran, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này - ông Bijan Zanganeh cho biết các lệnh trừng phạt lên ngành này sẽ được gỡ bỏ vào cuối tháng 11.
Điều này cũng có nghĩa cuộc chiến trên thị trường dầu sẽ càng khốc liệt hơn với cả Ảrập Xê t và Mỹ. Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, sản xuất của Iran sẽ rất sớm quay lại mốc 3 năm trước đây.
Hà Thu (theo Bloomberg)