Mỗi thùng dầu Brent hiện tăng 2,4% lên 43,32 USD. Dầu thô Mỹ WTI tăng 2,1% lên 40,38 USD một thùng. Cả hai loại dầu đều đang ở mốc cao nhất kể từ ngày 6/3.
Giá dầu Brent đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu tháng 4, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục – 9,7 triệu thùng mỗi ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh. Theo thỏa thuận, mức này sẽ chỉ áp dụng trong tháng 5 và 6.
Tuy nhiên, sau cuộc họp hôm 6/6, OPEC+ đã đồng ý kéo dài việc này đến hết tháng 7. Thông tin này đã kéo giá dầu sáng nay đi lên. Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – cũng đã tăng mạnh giá bán dầu thô cho tháng tới.
Dù vậy, khả năng một số thành viên OPEC như Iraq và Nigeria tuân thủ hạn ngạch sản xuất vẫn còn là điều cần quan tâm. "Dù các nước này đã cam kết, chúng tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ có vài vấn đề trong mùa hè này. Khả năng Libya khôi phục sản xuất cũng sẽ là thách thức lớn với các lãnh đạo OPEC", Helima Croft – Giám đốc Chiến lược Hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết. Hai mỏ dầu lớn tại tây nam Libya vừa hoạt động trở lại sau nhiều tháng đình trệ.
Dù đã phục hồi, giá dầu vẫn còn rất thấp so với chi phí của hầu hết các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Việc này đã gây ra hàng loạt vụ đóng cửa, sa thải và cắt giảm chi phí tại nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Số giàn khoan dầu mỏ và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp, xuống thấp kỷ lục trong tuần trước, theo số liệu của Baker Hughes. Số cơ sở khai thác gần 30% dầu đá phiến ngoài khơi của Mỹ đã phải ngừng lại hôm thứ sáu do bão Cristobal tiến vào Vịnh Mexico.
Hà Thu (theo Reuters)