Chiều nay, giá dầu thô Mỹ - WTI có thời điểm mất 4,1%, xuống 47,84 USD - thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Giá dầu Brent cũng giảm tương đương, xuống 57,2 USD. Hiện tại, giá cả hai loại dầu này đã hồi phục nhẹ.
Từ đầu tháng 10, dầu thô thế giới đã giảm hơn 30% do tồn kho toàn cầu tăng vọt. Một nguyên nhân khác, theo Warren Patterson - chiến lược gia hàng hóa tại ING, là "chứng khoán Mỹ và châu Á bị bán tháo".
Trong cuộc họp tháng này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh khác đã đồng ý giảm sản xuất thêm 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương hơn 1% nhu cầu toàn cầu. Động thái này nhằm giảm nguồn cung và đẩy giá dầu lên.
Tuy nhiên, việc giảm sẽ chỉ được thực hiện từ tháng sau. Bên cạnh đó, sản xuất tại Mỹ, Nga và Saudi Arabia vẫn đang ở mức kỷ lục, gây sức ép lên giá. Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Nga tháng này sản xuất tới 11,42 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ dự kiến tạo ra hơn 8 triệu thùng dầu mỗi ngày cuối năm nay, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mỹ cũng đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng dầu thô 11,7 triệu thùng mỗi ngày.
Khi giá giảm, các hãng sản xuất dầu đá phiến không có lợi nhuận cuối cùng sẽ phải ngừng lại và giảm cung. Tuy nhiên, việc này chưa thể diễn ra ngay. Trong khi đó, tồn kho vẫn tiếp tục tăng lên. "Nguồn cung từ Mỹ, cùng tăng trưởng toàn cầu giảm tốc đang đe dọa nỗ lực của OPEC và các nước khác. Niềm tin thị trường vẫn còn rất mong manh", Benjamin Lu Jiaxuan tại hãng môi giới Phillip Futures cảnh báo.
Hà Thu (theo Reuters)