"Việc này chẳng khác nào giảm thuế với phần lớn các nước châu Á, do khu vực này thường xuyên thiếu năng lượng. Chỉ một vài nước sản xuất, như Malaysia hay Australia, là bị ảnh hưởng nhỏ. Nhưng với các quốc gia còn lại, đây đúng là một món quà", Paul Gruenwald - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Standard and Poor's nhận xét.
Phần lớn các nước châu Á phải nhập khẩu năng lượng, với chi phí dao động từ dưới 2% (Việt Nam) tới hơn 10% GDP (Thái Lan), Fitch Ratings cho biết. Vì dầu chiếm phần lớn trong tiêu dùng, giá dầu giảm cũng tương tự giảm thuế và sẽ kích thích chi tiêu. Bên cạnh đó, dầu rẻ đi còn giúp hạ chi phí sản xuất các mặt hàng cần nhiên liệu dầu, từ đó làm tăng sức sản xuất của nền kinh tế.
Áp lực lạm phát cũng sẽ được giảm tải, do giá dầu chiếm phần đáng kể trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). "Lạm phát giảm do giá dầu giảm có thể kích thích GDP ở một số nước, do nó hỗ trợ chính sách nới lỏng tiền tệ", Andrew Colquhoun - Giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings cho biết.
Giá dầu đã sụt giảm mạnh sau quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cuối tuần trước, rằng không cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Dầu Brent và WTI đã xuống đáy 4 năm phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, giá dầu thấp còn có ảnh hưởng tích cực lên tài khóa, mở ra nhiều cơ hội vàng cho các Chính phủ để giảm nhẹ gánh nặng trợ giá. Cả Ấn Độ và Indonesia đều đã nắm bắt cơ hội này.
Hồi tháng 10, Chính phủ Ấn Độ đã ngừng can thiệp vào giá dầu diesel. Đây là bước đi quan trọng giúp ngân sách bớt chịu ảnh hưởng từ các cú shock dầu mỏ, do giá nhiên liệu hiện tại được quyết định bởi thị trường.
Indonesia mới đây cũng tăng giá xăng được trợ cấp thêm 30%. Động thái này nhằm tiết kiệm cho Chính phủ hơn 8 tỷ USD năm tới, Reuters cho biết.
Dù phần lớn các nước châu Á có lợi từ giá dầu giảm, một số sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, điển hình là Malaysia. "Phần lớn doanh thu của nước này đến từ xuất khẩu hàng hóa. Nên giá dầu giảm sẽ khiến ngân sách của họ co lại. Thêm vào đó, các công ty xuất khẩu vay USD, nhưng lại thu về bằng ringgit sẽ gặp rắc rối. Rủi ro với đồng ringgit và những người nước ngoài nắm giữ trái phiếu Malaysia cũng tương tự", Taimur Baig – kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Deutsche Bank cho biết.
Hà Thu