Hôm 5/9, Nga và Arab Saudi – hai nước dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết nguồn cung dầu đến hết năm nay. Theo đó, Arab Saudi tiếp tục giảm sản xuất, còn Nga hạn chế xuất khẩu. Thông báo này đã khiến dầu Brent lên trên 91 USD một thùng – cao nhất 10 tháng.
Trước đó, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent tháng 12 năm nay là 86 USD và cuối năm sau là 93 USD một thùng. Hiện tại, sau thông báo của Nga và Arab Saudi, ngân hàng này cho biết dự báo của họ "đối mặt hai rủi ro tăng giá".
Một là nếu nguồn cung của Arab Saudi giảm thêm 500.000 thùng một ngày nữa, giá dầu Brent có thể tăng 2 USD. Rủi ro thứ hai là khả năng OPEC+ tiếp tục gia hạn việc cắt giảm của các thành viên trong nhóm.
Trước đó, họ dự báo tháng 1/2024, OPEC+ sẽ dần khôi phục sản xuất. Nhưng hiện tại, ngân hàng này để ngỏ khả năng OPEC+ duy trì mức cắt giảm hiện tại. "Trong trường hợp OPEC+ vẫn giữ sản lượng của năm 2023 đến cuối 2024 và Arab Saudi chậm khôi phục sản xuất", giá dầu Brent sẽ lên 107 USD vào tháng 12/2024.
Giá dầu tăng có thể giúp Arab Saudi cân bằng ngân sách và Nga có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, giá ở mức ba chữ số có thể khiến các hãng dầu đá phiến Mỹ tăng cung, từ đó hạ giá xuống. Giá cao cũng có thể làm tăng tốc đầu tư vào năng lượng sạch.
Mỹ cũng không muốn giá dầu lên tới 100 USD một thùng, vì "tầm quan trọng về mặt chính trị của giá xăng". Không Tổng thống Mỹ nào muốn giá xăng tăng vọt, đặc biệt là trước thềm bầu cử.
Khi được hỏi về động thái siết cung của Nga và Arab Saudi, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tập trung "làm mọi thứ trong khả năng để hạ giá xăng cho người tiêu dùng". "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là nguồn cung năng lượng ổn định, hiệu quả cho toàn cầu", ông khẳng định.
Hà Thu (theo CNN)