Biểu đồ của Bloomberg cho thấy trong giai đoạn từ tháng 11/1985 đến tháng 4/1986, giá dầu WTI tại Mỹ đã giảm tới 69%, từ 31,82 USD xuống 9,75 USD một thùng khi Ảrập Xêút tỏ ra mệt mỏi với việc giảm sản lượng để hỗ trợ giá cả. Thị trường chỉ phục hồi vào năm 1990.
Hiện tại, giá dầu thô đã giảm 57% từ tháng 6 năm ngoái, và các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không tỏ ra lo lắng nếu giá giảm sâu hơn nữa.
Giá dầu tăng vọt thập niên 70 đã làm bùng nổ việc khai thác các mỏ tại Biển Bắc và Alaska. Các thành viên OPEC cũng tăng sản lượng, chỉ để Ảrập Xêút giảm cung khi nhu cầu yếu đi.
Đến những năm 1980, nước này tỏ ra "mệt mỏi vì bị các nước khác tận dụng làm van dầu", và để mặc nguồn cung tràn ngập thị trường, Walter Zimmerman - chiến lược gia tại United-ICAP cho biết. Sau khi dầu lao dốc, "người Ảrập hốt hoảng và lại tiếp tục đóng vai trò điều tiết nguồn cung. Nếu họ không sợ hãi như vậy, chúng ta đã không có sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến ngày nay và sản xuất tại Biển Bắc cũng sẽ thấp hơn vì ít thu hút đầu tư", ông nhận xét.
Đầu tư vào cơ sở khai thác mới đã tăng vọt khi giá dầu lên trung bình gần 96 USD giai đoạn 2011-2013. Sự kết hợp giữa công nghệ khoan ngang và bẻ gãy thủy lực đã giải phóng các mỏ dầu đá phiến, khiến sản lượng khai thác tại Mỹ lên cao nhất 3 thập kỷ. Tháng trước, sản xuất tại Nga cũng lên cao nhất thời hậu Xô Viết và Irraq cũng xuất khẩu nhiều nhất kể từ thập niên 80.
"Nếu trước đây cứ để giá dầu xuống thấp, họ đã tránh được rất nhiều vấn đề trong dài hạn rồi", Zimmerman nhận xét.
Đầu tuần này, Goldman Sachs cũng đã giảm dự báo giá dầu toàn cầu vì cho rằng tồn kho sẽ tiếp tục tăng nửa đầu năm nay. Nhà băng dự đoán trong 3 tháng tới, dầu WTI tại Mỹ sẽ giao dịch tại 41 USD một thùng và dầu Brent sẽ xuống 42 USD một thùng. Trong 6 tháng và 12 tháng tới, Goldman Sachs cho rằng dầu WTI sẽ xuống 39 USD rồi lên 65 USD. Còn dầu Brent sẽ giao dịch tại 43 USD và 70 USD.
Hà Thu