Đơn vị tư vấn khảo sát này vừa xuất bản báo cáo về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có đề cập đến cơ hội và thách thức của trung tâm kinh tế và thương mại tương lai của TP HCM.
Xét về cơ hội, Thủ Thiêm có vị trí chiến lược. Nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (trung tâm TP HCM), bán đảo này có vị trí lý tưởng dể trở thành Phố Đông của TP HCM với quỹ đất rộng 657 ha. Giao thông ra và vào Thủ Thiêm từ quận 1, 9, Thủ Đức ngày càng thuận lợi.
Quỹ đất tại đây sẵn sàng với 99% diện tích đất đã được bồi thường giải tỏa. Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Thêm vào đó, trung tâm hiện hữu đang thiếu quỹ đất để phát triển và tham vọng của TP HCM sẽ trở thành đại đô thị đẳng cấp thế giới là những yếu tố tích cực tạo nên tiềm năng và sức hấp dẫn riêng của khu trung tâm mới này.
Ở chiều ngược lại, thách thức dành cho Thủ Thiêm cũng không hề nhỏ. Một trong những nguyên nhân Thủ Thiêm chậm triển khai là giá đất cao, lên đến hơn 3.000 USD một m2. Đắt đỏ nhưng Thành phố không chấp thuận gia hạn tiền thuê đất mà yêu cầu nhà đầu tư phải trả ngay chi phí này.
Cơ sở hạ tầng tại đây còn thiếu đồng bộ. 4 tuyến đường chính của đô thị vẫn đang trong giai đoạn thi công và phải mất 12-24 tháng nữa mới hoàn thiện. Các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm trong vòng 10-15 năm tới vẫn khá hạn chế. Thủ tục mất nhiều thời gian do cơ chế báo cáo từ Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lên các cấp cao hơn của thành phố.
Trọng tâm phát triển Thủ Thiêm là bất động sản thương mại và văn phòng. Tuy nhiên, ở bên bờ Tây sông Sài Gòn đã có sẵn nguồn cung thương mại dồi dào hiện hữu với quy mô khá tương đồng. Việc triển khai thêm các dự án mới bên bờ Tây (khu trung tâm hiện hữu) sẽ càng khiến "hòn ngọc" Thủ Thiêm mất điểm trong mắt nhà đầu tư.
Tổng diện tích sàn của các dự án mới được phê duyệt tại bờ Tây Sài Gòn gồm: Tân Cảng, Ba Son và Khánh Hội là 4,9 triệu m2, chỉ hơi nhỉnh hơn so với con số 5,1 triệu m2 sàn xây dựng dự kiến cho lõi trung tâm Thủ Thiêm. Nếu giả định tốc độ hấp thu của thị trường bất động sản tiếp tục duy trì mức cao như quý II/2015 (tăng 1,4 mỗi quý) thì cần đến 12 năm thị trường mới hấp thụ hết nguồn cung từ 3 dự án kể trên nằm dọc bờ Tây.
Được quy hoạch từ năm 1996, đến nay Thủ Thiêm có hơn 99% diện tích đất đã được giải tỏa, tổng chi phí đền bù ước 800 triệu USD. Cuối năm 2014, khu đô thị mới này có 2.460 căn trên tổng số 123.500 căn hộ tái định cư được bàn giao. Dự kiến khi hoàn thành, đô thị này sẽ là nơi cư trú cho 150.000 cư dân và thu hút 220.000 lao động đến làm việc.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2015, phần lớn Thủ Thiêm vẫn là đất trống, kết nối với bờ Tây sông Sài Gòn qua một đường hầm và một chiếc cầu nối Thủ Thiêm với phần còn lại của thành phố. Bốn cây cầu khác và một tuyến tàu điện ngầm đang được thi công hoặc đang lên kế hoạch triển khai. Hiện 3 dự án quy mô lớn đã có nhà đầu tư gồm: Sala, Empire City Complex, Eco Smart City.
CBRE ví Thủ Thiêm như “Phố Đông của Sài Gòn”, để khu đô thị này sớm đi vào hoạt động đòi hỏi phải có những quyết sách mới triệt để hơn. Đầu tiên, khu đô thị này cần được xác định là dự án ưu tiên cấp quốc gia với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ.
Yếu tố sống còn cho việc phát triển dự án là cần có một quy trình đầu tư rõ ràng và đơn giản. Việc thông qua chính sách “một cửa” cũng như rút ngắn thời gian xét duyệt và cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, giải tỏa được nhiều quan ngại có thể cản trở quyết định đầu tư.
Cách làm này nhằm giảm thiểu nguy cơ đầu cơ và ngăn giá đất không bị đẩy lên cao đến mức không thể chạm tới. Một khuyến nghị khác là nên giới hạn việc cấp phép đầu tư vào các dự án lớn tại khu vực bờ Tây của Sông Sài Gòn, nếu không sẽ có nguy cơ làm loãng sức hút của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Vũ Lê