Trong báo cáo mới đây, OneHousing, đơn vị nghiên cứu thị trường do Techcombank và Masterise hậu thuẫn, cho biết lượng giao dịch và giá đất thổ cư tại Hà Nội tăng mạnh năm ngoái.
Tính chung 2024, thị trường ghi nhận khoảng 42.000 giao dịch. Thanh khoản phân khúc này tăng mạnh nhất vào quý II, sau đó giảm dần về cuối năm. Riêng quý IV, khu Tây (quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông) dẫn đầu với 3.500 giao dịch, còn khu Đông (Long Biên, Gia Lâm) có khoảng 2.900 nhà, đất được sang tay.
Giá đất thổ cư nhiều khu vực khác cũng có xu hướng tăng mạnh, dao động 17-33% sau một năm. Tại khu Đông, One Housing cho biết đơn giá đất trung bình tại quận Long Biên khoảng 130-150 triệu đồng, còn huyện Gia Lâm 40-60 triệu, đều tăng 33% so với cuối năm 2023.
Tại phía Tây, giá đất thổ cư các quận đều ở ngưỡng cao nên biên độ tăng hẹp hơn. Đơn cử, quận Hà Đông tăng khoảng 17%, quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy cao hơn 28-29% so với cuối 2023.
Tương tự, theo kênh rao tin địa ốc Batdongsan, đất thổ cư Hà Nội đã leo thang về giá trong năm ngoái, cùng đà tăng của chung cư. Tính đến quý IV/2024, mặt bằng giá phân khúc này tăng 37% so với quý I/2023, đạt trung bình 70 triệu đồng mỗi m2 đất. Trong khi TP HCM, đất thổ cư giữ ổn định, chỉ đắt hơn khoảng 3% sau gần hai năm.

Một góc quận Long Biên, Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Thành
Theo khảo sát của VnExpress, mặt bằng giá nhà đất tại quận Long Biên dao động 100-135 triệu đồng mỗi m2 (tùy vị trí và hiện trạng nhà), tăng khoảng 30-40% sau một năm. Đơn cử một căn nhà rộng 41 m2, ngõ ôtô vào được đang được rao 5 tỷ đồng, tương đương 123 triệu đồng mỗi m2.
Thậm chí nhiều nhà trong ngõ nhỏ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Đông... ôtô không vào tận nơi, được chào bán 200-250 triệu đồng một m2, tùy diện tích, đặc điểm khu đất và hiện trạng bàn giao. So với đầu năm ngoái, giá này tăng hơn 30%, khoảng 9-15 tỷ đồng cho diện tích 40-60 m2. Mức này ngang với giá một số căn nhà mặt phố trong cùng khu vực.
Đơn cử, nhà diện tích 35 m2 thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, mặt ngõ rộng chưa tới 2 m, được chào gần 8 tỷ đồng (khoảng 228 triệu đồng một m2) từ cuối năm ngoái, đến nay chưa tìm được chủ. Giá này tăng 2,5 tỷ đồng so với mức rao bán hồi đầu năm. Môi giới bán căn này cho biết chủ nhà tăng giá sau khi sang sửa, đầu tư nội thất.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh tại OneHousing, cho biết lực đẩy từ hạ tầng góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng ven như Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm... Đây cũng là những nơi tập trung nhiều khu đô thị với đà tăng giá nóng của loại hình chung cư. Điều này thúc đẩy nhiều người mua chuyển hướng từ chung cư sang nhà đất, kéo giá xung quanh tăng theo.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, cho rằng giá đất thổ cư tại trung tâm Hà Nội leo thang một phần vì tác động tâm lý sau loạt phiên đấu giá kỷ lục của các huyện ven hồi cuối năm. Một số lô trúng đấu tại Hoài Đức, Hà Đông lên đến 15-16 tỷ đồng, cũng đẩy tâm lý thị trường nhà đất ở trung tâm dâng cao.
Thực tế sau nhiều phiên đấu kỷ lục, tình trạng bỏ cọc đã xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, hệ lụy đã đẩy tâm lý thị trường cũng như mặt bằng giá lên cao.
Ông Thanh cảnh báo khi giá bán vượt qua nhiều giá trị thực tế sẽ là rào cản cho giao dịch. "Tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư hiện nay là thận trọng và chờ đợi, tình trạng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) theo sóng nhà đất đã giảm mạnh", ông Thanh cho hay.
Ngọc Diễm