Tương tự, trên một đoạn đường từ góc Trần Quốc Thảo đến cây xăng bên phải đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh) đối diện rạp chiếu bóng, xe nhãn Vinataxi lấy giá 23.000 đồng còn taxi Thiên Phúc lại chỉ có 21.000 đồng, dù giá cước đều 6.000 đồng/km.
Tuyến đường từ 59 Cao Thắng đến 170 Nguyễn Đình Chiểu (đoạn siêu thị Co-op Mart Nguyễn Đình Chiểu), taxi Vinasun, số tài 301, tính cước 13.200 đồng, còn chiếc khác tên HTX vận tải - du lịch - taxi 12 lại tính 25.000 đồng.
Rất nhiều tuyến đường, taxi của nhiều hãng, công ty, hợp tác xã khác nhau thu giá cước theo quãng đường cố định, đôi lúc chênh lệch nhau từ 1-5 km đường. Cụ thể đoạn đường đi từ nhà thờ Đức Bà đến hồ Kỳ Hòa, đi xe của HTX vận tải Đất Thép khách phải trả đến 30.000 đồng, trong khi đi xe của HTX khác chỉ mất 20.400 đồng.
Nhiều xe không gắn hộp số kilômet, chỉ gắn hộp số nhảy giá tiền làm những hành khách không nhận biết được tiền mình phải trả tương xứng bao nhiêu cây số. Một số xe sẵn sàng hợp đồng miệng với khách hàng thu cước bỏ túi riêng 250.000-280.000 đồng cho cuốc xe từ TP HCM về Biên Hòa thay vì thu cước theo bảng giá công ty quy định 300.000 đồng.
Chuyện chở khách chạy đường vòng không hiếm. Nhiều người không phải dân thành phố, không biết đường, bị tài xế taxi chở vòng vèo mãi mới tới điểm cần đến, khiến tiền cước phải tốn gấp 2-3 lần.
Nhiều xe thuộc một vài công ty lớn lại dùng thủ thuật dụ khách trả tiền với giá thỏa thuận, khỏi phải bấm đồng hồ, sau đó lại mở đồng hồ, che đồng hồ lại. Khách đến nơi, giá tiền hiển thị trên đồng hồ thấp hơn rất nhiều lần so với thỏa thuận.
Chưa kể có nhiều xe lấy tên Công ty Sao Việt, taxi Đức Linh, taxi quận... nhưng thực chất không phải của những đơn vị này mà xe còn nhãn cũ hoặc tự gắn nhãn để qua mắt đơn vị kiểm tra. Khi khách hàng yêu cầu hoá đơn, tài xế không có phải vay mượn của taxi khác. Một số xe dùng cách chạy đến nơi vẫn không tắt đồng hồ tính tiền trong khi viết hóa đơn, chờ khách vào nhà xong ra tính thêm tiền chờ trên xe. Tiền chờ cứ 2 phút 1.200 đồng. Một cuốc có thêm 5-10 phút chờ tài xế hưởng thêm của khách 5.000 đồng.
Không chỉ loạn giá cước, nhiều tài xế taxi còn đối xử với khách hàng thiếu tôn trọng, kém văn minh, lịch thiệp, nhất là ở một số nơi có hiện tượng độc quyền tương tự taxi sân bay.
Tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, nơi buộc phải cho một số taxi vào sân trong để chở bệnh nhân, hiện tượng từ chối chở bệnh nhân đi những tuyến đường ngắn lại khá phổ biến. Đa phần tài xế chỉ nhận khách đi xa hoặc đi tỉnh.
Theo lái xe Minh Châu, công ty kinh doanh vận tải hành khách A., tài xế chạy xe công ty phải chịu áp lực khoán rất cao. Mỗi ngày phải đóng cho công ty 300.000-400.000 đồng tùy doanh số, hoặc trả góp tiền mua xe cho công ty lên đến 330.000 đồng (có nghĩa mỗi tháng phải đóng khoảng 10 triệu đồng).
Có xe tài xế chạy của công ty mỗi ngày về chia tiền hưởng khoảng 30-40% (có công ty chi cho tài xế 3/7, 4/6, 5/5) tùy số tiền mình thu về trong ngày, tiền xăng tài xế chịu toàn bộ.
Có công ty tài xế chạy dưới 500.000 đồng/ngày chỉ được hưởng 35%. Có lái xe phải đi thuê xe mỗi ngày trả 140.000-200.000 đồng tùy loại xe mới, cũ. Một số tài xế khác cũng là chủ xe, không dám “chạy dù” nên phải gia nhập các hợp tác xã để kinh doanh taxi. Mỗi tháng đóng thuế cho HTX 75.000-100.000 đồng. Có xe được gắn đồng hồ tính tiền nhưng không được trang bị bộ đàm.
Tài xế Tho - taxi 12 - cho biết: “Số máy vẽ trên thành xe chỉ là số “mù” ghi cho có, khách gọi đến không gặp được vì chúng tôi không sử dụng bộ đàm, chạy xe đón khách dọc đường và khách quen”. Các chi phí phải trả trong ngày gây áp lực khá lớn đối với các bác tài. Từ đó tài xế đã nghĩ ra nhiều cách để "lòn lách" kiếm thêm, sinh ra nhiều vấn nạn cho hành khách.
(Theo Tuổi Trẻ)