Nhóm nhỏ tối thứ sáu có ba người. “Khi đó tôi đã ở Mỹ rồi”, một cô gái chừng 30, nói là người Sa Đéc (Đồng Tháp), đang làm tiếp tân một khách sạn năm sao, bộc bạch, “Cũng chưa hình dung cuộc sống sẽ ra sao nên khó nói. Nhưng chắc tôi sẽ mở một nhà hàng nhỏ, tự quản lý. Chắc cực, thôi mà cực thân nhưng không cực trí như ở đây”.
Bạn kia là một cậu trắng trẻo, nét mặt thanh tú, nhẹ nhàng, tự giới thiệu là sinh viên y khoa năm cuối. “Gia đình muốn tôi đi Australia. Tôi thương bệnh nhân, tôi muốn ở đây. Nhưng ai cũng bàn, vài năm nữa sống sao nổi. Nên tôi cứ làm giấy tờ, chừng ở không được thì đi, nghĩa là tôi đang 50/50”.
Họ hỏi còn tôi thì sao. Tôi bảo, tôi muốn trong vài năm nữa có thể viết sách, viết tham luận khoa học cho hội thảo quốc tế để nói chuyện về tiến bộ của doanh nghiệp Việt Nam. Tôi vẫn ở đây, chờ các bạn quay về. Hai bạn kia cười vang. Cô gái Đồng Tháp thẳng thừng: “Khó cô ơi, ra ngoài sống quen rồi khó về. Vậy cháu... vĩnh biệt cô ở đây thôi”.
Tôi cũng cười mà thắt ruột. Bạn bè tôi, dạy học, viên chức, doanh nhân... những người đang làm ăn lương thiện không chức quyền, cũng đã "xong giấy tờ" nhiều lắm. Không nói ra thì không ai biết. Gặp nhau ở đây bây giờ, liệu ai biết ai có thẻ xanh, đã mua nhà, có hộ chiếu sẵn... Những bạn bè thân nhất thường nói xa, gần hay nói thẳng tưng về mấy chữ: “niềm tin, tương lai”.
Tối qua trước khi đi ngủ, tôi đọc được một tin không vui. Người Việt Nam xếp ở nhóm cuối bảng về tính trung thực. Đó là một cuộc khảo sát tâm lý chứ không phải phỏng vấn và kết quả không nêu tên riêng một ai. Cuộc khảo sát có tính khách quan từ cách tiến hành và chọn mẫu.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Nottingham công bố trên tạp chí Nature sau khi “chấm điểm” 2.586 thanh niên khoảng 22 tuổi từ 23 quốc gia đại diện. Những quốc gia xếp cuối bảng về tính trung thực gồm có Tanzania, Marốc, Trung Quốc và Việt Nam.
“Những công dân sống ở các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng lớn hơn thì có xu hướng kém trung thực hơn”. Tức là, ăn cắp “khủng”, ăn cắp hệ thống đang khuyến khích, dẫn dắt cả xã hội ăn cắp vặt. Họ khảo sát và chọn người tham gia ngẫu nhiên đấy, nhưng kết quả nổi lên tên nước tôi, ở cuối bảng.
“Kết quả cho thấy các tổ chức và di sản văn hóa yếu kém không chỉ trực tiếp gây ra những hậu quả kinh tế bất lợi, mà còn có thể làm giảm tính trung thực nội tại của mỗi cá nhân”, bài báo viết. Và dù khảo sát ngẫu nhiên, bạn thấy đó, ở nhóm này, lại cũng có... Trung Quốc.
Tôi là, anh là, chúng ta là những kẻ kém trung thực. Sao vậy? Từ bao giờ?
Con người ta sống, có thể có những lúc phải đóng kịch, phải giả ngu giả điếc nhưng thực sự vẫn luôn phải tự vấn lương tâm và lòng tự trọng chính mình. Và càng phải nghĩ về niềm tin, về tương lai khi tính trung thực bị rẻ rúng.
Tôi tự hỏi mình, "tính trung thực" giờ bán được nhiêu? Vì giá nó quá bèo mà ra những cơ sự trên? Còn niềm tin vào một xã hội tử tế hơn giá bao nhiêu? Ai đo được? Hay thử đem hỏi các tổ chức làm dịch vụ thẻ xanh, đầu tư ra nước ngoài, lao động chuyên gia?
Khi tôi đặt câu hỏi hơi thách thức “Tính trung thực ở đâu, còn không, trong cuộc sống chúng ta?” trên một blog. Bạn bè tôi, nhiều người nhắn hay viết câu trả lời, rằng “Tôi còn; Em còn, cô ơi; Chị đừng lo, tôi còn”.
Tôi tin họ. Mỗi người chúng ta biết và đang làm tất cả, từ những việc nhỏ nhất hàng ngày để tính trung thực phải thắng thế.
"Tính trung thực" giờ bán được nhiêu? Câu hỏi ấy, tôi muốn dành cho những người đọc phía dưới bài viết này.
Vũ Kim Hạnh