Có thể bạn sẽ bảo đó là chuyện nhỏ. Bạn có thể nghĩ rằng số tiền tác quyền của một lần “mượn” như thế không thấm vào đâu so với thu nhập của một ca sĩ - nhạc sĩ tên tuổi. Nhưng nếu cái nhỏ nhân lên một triệu lần, thì nó sẽ giết được nền âm nhạc. Và đó là chuyện đã diễn ra. Chuyện bài hát bị “mượn” để biểu diễn vô tư chỉ là một trong những biểu hiện của việc ý thức về tác quyền bị đánh mất.
Cuối năm 2012, có một chàng trai nổi tiếng của ngành nhạc số phất cờ cho một kế hoạch mà nhiều người cho là “điên rồ”: thu phí tải nhạc trực tuyến, chỉ một nghìn đồng mỗi bài. Công ty của anh mua lại tác quyền tương đương với 50% số sản phẩm âm nhạc đang có trên thị trường và kêu gọi các công ty kinh doanh nhạc trực tuyến cùng ngồi lại để thu phí. Một kế hoạch lãng mạn.
Cuộc trò chuyện với chàng trai ấy khiến tôi lần đầu tiên ý thức được việc nghe và tải nhạc miễn phí đang tràn ngập trên Internet nước ta bây giờ có thể “giết” được nền công nghiệp thu âm thế nào. Các công ty không còn bán được đĩa nữa. Tôi đưa cho anh bút, sổ tay của mình và nhờ vẽ biểu đồ: rất nhanh, anh vẽ một đường cong lao xuống. Từ năm 2007 đến 2012, doanh thu của các hãng đĩa nước ta giảm 80% và vẫn đang giảm. Chỉ trong vòng nửa thập kỷ, nền công nghiệp âm nhạc bị tàn phá bởi hai chữ “miễn phí”.
Nếu bạn theo dõi các nền âm nhạc có ảnh hưởng, bạn sẽ rất dễ nhận ra điều này: trung tâm của họ, là các hãng đĩa – không phải là ca sĩ. Các hãng đĩa sẽ ký hợp đồng với ca sĩ, kiểm soát doanh thu, rồi tái đầu tư cho thị trường. Nhắc đến làn sóng Hàn Quốc là nhắc đến SM và YG Entertainment. Nhắc đến âm nhạc Mỹ là nhớ đến những cái tên đã đi vào huyền thoại như Universal, Sony BMG, EMI hay Warner Music. Có thời điểm, 4 cái tên ấy điều phối 70% thị trường âm nhạc thế giới.
Nhưng ở nước ta, khi các hãng đĩa bị các trang nghe nhạc trực tuyến “tiêu diệt” là khi các ca sĩ tự phát đầu tư cho sản phẩm âm nhạc của họ. Họ quay clip, thu album chỉ để làm thương hiệu mà “chạy show” chứ không bán được cho ai.
Thời điểm ấy, chàng trai với ý tưởng điên rồ nói với tôi rằng, việc thu phí tải nhạc trực tuyến chắc chắn sẽ phải đến. “Đó không phải là cách mạng, mà là sự tiến hóa”. Nhưng “cuộc tiến hóa” ấy chưa diễn ra. Chàng doanh nhân nhạc số ngồi với tôi hai năm trước giờ đã bỏ nghề, đi buôn.
Các trang nghe nhạc trực tuyến sử dụng bùa hộ mệnh: “âm nhạc do người dùng tự tải lên” để thoái thác trách nhiệm trả bản quyền. Ngay bây giờ, bạn có thể vẫn tải dễ dàng một bài hát ở đâu đó miễn phí. Trong khi năm 2009, một phụ nữ ở Mỹ đã bị phạt 1,9 triệu USD vì tải 24 bài hát trái phép. Xin nhắc lại: 80.000 USD mỗi bài.
Hãy nghĩ xem cuộc “tiến hóa ngược” này có thể dẫn chúng ta đến đâu. Ở khắp mọi nơi, tôi có thể dễ dàng đọc được những ý kiến chỉ trích nghệ sĩ vì “tạo ra scandal để nổi tiếng”, vì “hát những bài nhố nhăng”, vì cái gọi là “chiêu trò” và chất lượng âm nhạc của nhiều chương trình bị lên án.
Nhưng tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu người trong số những ý kiến chỉ trích ấy từng trả một đồng nào cho nghệ sĩ khi nghe nhạc của họ trên nhiều trang web.
Và rồi tất nhiên hành xử của những nghệ sĩ có thể tác động đến nền văn hóa? Họ có thể làm ra tấm gương xấu cho con cái bạn chứ? Có thể lắm. Khi họ phải tự loay hoay trong một thị trường nơi ý thức về “tác quyền” đã bị đánh mất, hay nói cách khác, là sự công bằng và tính hợp lý đã bị phủ nhận, thì nhiều điều vô lý khác có thể diễn ra.
Nếu một nữ ca sĩ có thể thu được 1.000 đồng mỗi lần tải nhạc trực tuyến, thì rất có thể quần áo của cô ta sẽ dài ra thêm đôi chút, bớt mỏng đi đôi chút. Cô ta không cần câu khách bằng mọi giá nữa. Rất có thể.
Đức Hoàng