Nhưng đó chưa phải là cái giá cuối cùng. Trong lúc một nhân vật “đen đủi” nào đó đang phải trả 6 triệu đồng cho một lần xả rác ra vỉa hè, thì hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến “tập quán của rác”.
Nhà tôi nằm ngay cạnh một ngã tư nội bộ ở chính giữa khu dân cư, nơi các công nhân môi trường đô thị chiều chiều vẫn đẩy xe gom đến và gõ kẻng báo mọi người trong khu mang rác ra. Đây là khu có dân trí khá cao, nhưng vẫn khá nhiều người chỉ nhớ rằng cái vỉa hè sát nhà tôi là chỗ xe dừng lại gom rác. Và đương nhiên đối với họ, chỗ đó có thể là nơi mà họ "gửi tạm" những túi rác vào bất kỳ lúc nào họ muốn.
Gia đình tôi hiển nhiên hứng chịu mùi rác rất khó chịu và thường xuyên phải đóng kín mọi loại cửa. Tôi buộc phải đến các nhà hàng xóm đề nghị họ không mang rác ra vứt ở đó. Ai cũng phủ nhận. Có người thậm chí còn nổi nóng vì bị tôi "đổ tiếng oan". Nhưng... rác thì vẫn xuất hiện.
Hai lần tôi bắt gặp những người hàng xóm vứt rác ra cổng nhà mình. Tôi hỏi, nếu anh/chị sống ở nhà tôi, thì có đồng ý cho hàng xóm mang rác đến đây vứt không? Người phụ nữ ngoài 40 nói: "Chỉ còn nửa tiếng nữa là xe rác đến, sao anh khó tính thế?". Còn anh thanh niên xấp xỉ 30 thì phân trần: "Tại em thấy tất cả đều để rác ở đây". Không một ai xin lỗi. Họ không coi đó là hành vi có lỗi.
Sau lần đó, những vị chủ nhà dân trí cao không vứt rác trộm nữa. Làm việc đó là những người giúp việc. Nếu bị bắt quả tang thì họ vứt lại túi rác rồi hề hề chạy mất. Thói quen vứt rác bừa bãi không có trong tư duy của những người được coi là có dân trí cao, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, và một khi người giúp việc của gia đình họ đem rác đi xả bậy, thì đó là việc của các bà/chị/con ôsin, không đáng để người có dân trí cao lưu tâm.
Quán tính tâm lý này tất nhiên không chỉ tồn tại trước cửa nhà tôi. Bởi vì đằng nào cũng sẽ có xe rác tới, đằng nào cũng sẽ có một người công nhân vệ sinh xuất hiện và cặm cụi dọn rác, nên vứt như thế có hại gì đâu? Từ đầu mẩu thuốc lá, kẹo cao su cho tới những túi nylon rác, khắp mọi nơi, sẽ được xử lý theo lối suy nghĩ này.
Những đống rác tập kết tự phát trên đường phố ruồi nhặng bâu đầy, được chó, chuột cắn xé rồi cả những người đi lục tìm phế liệu lật tung lên, rác bẩn bắn ra ngoài, trở thành môi trường lý tưởng để vi trùng, các mầm bệnh sản sinh và phát tán, mới thấy cái giá của một thói quen tưởng như vô hại là rất lớn. Đặc biệt là ở một nước có điều kiện khí hậu khắc nghiệt như nước ta.
Là một người làm trong ngành Y tế, tôi nhìn thấy trong những đống rác trước cửa nhà mình cái giá thực sự phải trả: đó là sự ô nhiễm, là sức khỏe của cả cộng đồng bị đe dọa. Cái giá “6 triệu đồng tiền phạt cho một lần đổ rác ra vỉa hè” mà ai đó phải hứng chịu chỉ là cá biệt, trừ khi thành lập cả một đội tuần tra 24/24 đi suốt các con phố ở Hà Nội. Còn cái giá này, thì không chừa một ai.
Mỗi năm nước Mỹ chi tới 11 tỷ USD cho việc dọn rác vứt trên phố. Nhưng nghiên cứu của tổ chức “Keep America Beautiful” năm 2009 khẳng định rằng “chi phí ngầm” của rác hơn con số đó nhiều lần. Nó bao gồm cái giá về môi trường; giá mà ngành du lịch phải hứng chịu; giá tài sản bị suy giảm; và tất nhiên, là giá về sức khỏe cộng đồng.
Chính quyền đã có nhận thức về rác – thông qua nghị định 155 đầy tính cảnh cáo. Nhưng làm sao để người dân ai cũng thấy rằng không vứt rác ra đường, tức là đang góp phần làm giảm cái giá phải trả cho sức khoẻ của xã hội và sức khoẻ của chính mình? Ngoài những đợt ra quân, những chế tài xử lý, có lẽ những hoạt động giáo dục làm thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi là quan trọng hơn cả.
Chúng ta không bao giờ biết được rằng cái túi rác mình vừa quẳng ra đường có giá thực sự là bao nhiêu. Nó có thể lớn đến mức ngang với một hành vi phá hoại.
Vũ Mạnh Cường