Ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt người đàn ông 47 tuổi (quê Hải Phòng) 200.000 đồng vì Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Người này bị kết luận có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn chị Vân (20 tuổi) trong thang máy một toà chung cư cao cấp ở đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lúc 22h15 ngày 4/3.
Vụ xử phạt diễn ra sau ngày quốc tế phụ nữ 8/3 mười ngày. Trước đó, ngày 24/7/2018, nhà chức trách huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ra quyết định phạt 200.000 đồng đối với nam công chức có hành vi "'xin hôn' và sờ soạng bên ngoài" nữ đồng nghiệp.
Mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ phụ nữ khiến dư luận đồng loạt phẫn nộ. Con số 200.000 đồng này được thể hiện bằng mực đen trên giấy trắng (quyết định xử phạt) của nhà chức trách và nằm lơ lửng trong đầu cộng đồng một cách rất mỉa mai. đến mức có người cho rằng "lương tôi 10 triệu đồng, vậy tôi được quyền hôn một cô gái 50 lần, quá rẻ?".
Việc liên tiếp ra những mức phạt trêu ngươi thể hiện điều gì? Quy định pháp luật của ta đang không đuổi kịp những hành vi phạm tội phức tạp của con người trong xã hội. Cách tiếp cận, vận dụng luật pháp có phần máy móc.
Nếu luật chưa phù hợp, sao chưa sửa đổi, bổ sung? Và với việc cưỡng hôn phụ nữ trong thang máy, được camera quay lại, hành vi đã rõ rành rành như thế, ai nhìn vào cũng thấy thì không thể gọi là phức tạp, khó điều tra được. Còn trường hợp vận dụng luật sai và máy móc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Vụ việc có thể đưa ra toà?
Pháp luật được lập ra nhằm mục đích trừng phạt, răn đe tội phạm và những kẻ xấu. Như vậy, mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn phụ nữ đã thoả mãn mục đích trừng phạt và răn đe hay không? Tôi xin trả lời luôn là không. Nếu không có bản án thích đáng với những kẻ này thì càng ngày sẽ có nhiều người cưỡng hôn thô bạo phụ nữ, và ngược lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.