Tại họp báo sáng 9/1, Giám đốc bộ phận Phát triển nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết sau dịch bệnh, đà tăng giá của chung cư Hà Nội duy trì khoảng 14% mỗi năm. Riêng năm 2023, giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội tăng gần 15% theo năm, đạt 53 triệu đồng mỗi m2. Đây là mức bằng với nền giá trung bình tại TP HCM giai đoạn 2020-2021.
Trong khi đó giá sơ cấp tại TP HCM đã chững lại ở mức hơn 60 triệu đồng mỗi m2, giảm gần 2% so với năm 2022.
Trên cả thị trường thứ cấp, chung cư Hà Nội tiếp đà tăng giá theo quý trong khi TP HCM giảm xuyên suốt năm 2023. Trong quý IV/2023, giá căn hộ Hà Nội tăng 5% theo năm, trung bình 33 triệu đồng mỗi m2.
Ông Kiệt lý giải nguồn cung hạn chế trong khi giá bán các dự án mới cao đã thúc đẩy thị trường thứ cấp sôi động. Ngược lại, tại TP HCM, giá bán thứ cấp trung bình 45 triệu đồng mỗi m2, giảm 5% so với 2022. Mức giảm tập trung ở phân khúc cao cấp nhưng nằm xa trung tâm, kết nối không thuận lợi.
Nguồn cung chung cư mới ở cả hai thành phố đều tập trung ở đại đô thị vùng ven. Trong đó, khu đô thị phía Tây và Đông Hà Nội đóng góp hơn 60% nguồn cung nhà ở mới, còn khu Đông TP HCM dẫn đầu với gần 80% rổ hàng mới.
Dư địa tăng giá của thị trường Hà Nội và phía Bắc nói chung đã thúc đẩy xu hướng Bắc tiến của các doanh nghiệp địa ốc phía Nam và các nhà phát triển nước ngoài hai năm gần đây, theo các chuyên gia.
Đơn cử cuối năm ngoái, CapitaLand Development (CLD) đã mua lại một phần khu đô thị Vinhomes Smart City và công bố dự án cao cấp Lumi Hanoi với tổng giá trị phát triển khoảng 18.000 tỷ đồng. Tại phía Đông Hà Nội, Mitsubishi Corporation (MC) cũng bắt tay với Vinhomes tại phân khu The Metropolitan, sau khi hợp tác phát triển hai phân khu ở Vinhomes Grand Park, TP HCM.
Ngoài ra, xu hướng Bắc tiến còn được loạt ông lớn đẩy mạnh như Keppel Land - Phú Long với dự án Mailand Hanoi City, Phú Mỹ Hưng với dự án Hong Hac City ở Bắc Ninh hay Nam Long với dự án Nam Long Hai Phong.
Lý giải xu hướng trên, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, CBRE Việt Nam, cho biết nhiều năm qua, thị trường Hà Nội và vùng ven được "thống trị" bởi một số tên tuổi lớn, kém đa dạng về các thương hiệu phát triển so với TP HCM. Vài năm trở lại đây, lợi thế của thị trường này tăng mạnh theo tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và quy mô dân số. Các tuyến vành đai, cầu, đường mở rộng đã thúc đẩy kết nối, tạo tiềm năng cho quỹ đất phát triển khu đô thị ở vùng ven. Với dư địa dồi dào này, nhiều chủ đầu tư lớn sau thời gian phát triển ở phía Nam đều có "tham vọng" Bắc tiến.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng cho rằng thị trường Hà Nội, đặc biệt phân khúc chung cư, có nhịp phát triển chậm hơn TP HCM khoảng 3-5 năm. Bởi các chủ đầu tư nước ngoài khi gia nhập Việt Nam đều ưu tiên TP HCM nên thị trường này sớm trưởng thành về chất lượng sản phẩm, chính sách, phương pháp bán hàng, tư duy đầu tư. Tuy nhiên, vì phát triển sớm và nhanh nên gần đây, quỹ đất tại TP HCM ngày càng khan hiếm trong khi giá đã tăng lên ngưỡng rất cao so với khả năng chi trả của nhiều người.
Chuyên gia CBRE đánh giá việc chủ đầu tư nước ngoài và phía Nam đẩy mạnh Bắc tiến sẽ giúp thị trường chung cư định hình lại chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn quản lý, tiện ích.
"Khoảng cách phát triển giữa chung cư Hà Nội và TP HCM đã thu hẹp từ 3-5 năm còn 1-2 năm, thậm chí có thể tương đương trong thời gian tới", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.
Ngọc Diễm