Những năm 1970, kỹ sư Neville Presho đến thăm hòn đảo Tory phía tây bắc Ireland và say mê đến nỗi ông đã từ bỏ công việc để làm một bộ phim về hòn đảo vỏn vẹn 3,6 km2 và cuộc sống nơi đây.
Năm 1982, ông mua căn nhà bằng đá 6 phòng ngủ, xây từ giữa thế kỷ 19 trên hòn đảo và được cấp giấy chứng nhận sở hữu hợp pháp. Đó là một trong những ngôi nhà cổ nhất đảo, nằm phía trên bến cảng với tầm nhìn đắt giá hướng ra biển.
Sống tại đây đến năm 1988, ông chuyển đến định cư New Zealand. Trước khi rời đi, ông Neville sửa sang nhà, quét lại vôi trắng và trả tiền cho một hàng xóm để trông coi. Năm 1992, một thành viên Hội đồng địa phương viết thư ngỏ ý muốn mua lại căn nhà, song ông không bán.
Năm 1994, ông Neville nhận được email từ chính quyền Tory báo tin căn nhà là công trình duy nhất trên đảo bị hư hại do bão lốc. Ông lấy làm lạ bởi nhà rất kiên cố, tường đá dày cả mét. Ông sốt ruột từ New Zealand về quê, ngày 5/7/1994.
Đứng trên tàu đang tiến gần hòn đảo, ông Neville dụi mắt bốn lần, vẫn không thấy căn nhà quét vôi trắng thân yêu. "Tất cả những gì tôi thấy là một đường ống nước bị gãy và chiếc bồn tắm úp ngược trên mặt đất ngổn ngang gạch vụn. Nhà tôi biến thành bãi đậu xe trước cửa khách sạn đang xây dựng", ông kể lại. Lạ lùng hơn là những căn nhà liền kề, không có dấu hiệu nào thiệt hại do bão lốc.
Đem chuyện này đi hỏi chính quyền và hàng xóm, ông Neville chỉ nhận được những cái lắc đầu, im lặng. Vài người nói rằng một cơn lốc đã cuốn nó đi. Một số khác khuyên "tốt hơn hết là không nên hỏi".
Người địa phương bắt đầu gọi Nevilles là "ông điên" khi cứ cố chấp đi tìm nguyên nhân nhà biến mất. Họ nghĩ ông sẽ nhanh chóng bỏ cuộc, nhưng không ngờ ông kiên trì theo đuổi tới 15 năm.
Neville dốc tiền nhờ luật sư tiếp nhận vụ việc, nhờ cảnh sát giúp đỡ. Khi thám tử đến đảo, họ cũng gặp phải sự im lặng lạ lùng từ người dân.
Theo thông báo chính quyền Tory gửi ông Neville, căn nhà của ông bị lốc cuốn và đánh sập, nhưng kết luận của chuyên gia xây dựng cho thấy bị máy móc phá dỡ. Ngoài ra, dấu vết của hỏa hoạn cũng thấy rất rõ qua mái nhà và mảng tường cháy đen. Hội đồng địa phương giải thích, đây là hậu quả của một vụ sét đánh, nhưng lời này không đủ xoa dịu gia chủ.
Manh mối đầu tiên hé lộ, khi một nhà thầu xây dựng địa phương nói, chủ khách sạn đang xây đã trả tiền thuê anh ta phá dỡ ngôi nhà. Song nhà thầu đã từ chối do căn nhà không thuộc sở hữu của khách sạn.
Ông Neville bắt đầu xâu chuỗi sự việc, phân tích: Khách sạn được xây ngay phía sau, như thế việc nhà ông chắn phía trước là "cái gai" trong mắt chủ khách sạn. Năm 2006, ông gửi đơn kiện Hội đồng địa phương và chủ khách sạn, Patrick Doohan. Ông cáo buộc họ câu kết tạo hỏa hoạn, phá dỡ nhà và biến mảnh đất thành bãi đậu xe khách sạn.
Ông Nevile yêu cầu ông Patrick Doohan bồi thường thiệt hại do xâm phạm, can thiệp và sử dụng trái phép bất động sản.
Vụ án đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn Ireland và châu Âu vào thời điểm đó. Dân đảo Tory bị công chúng phê phán quá "nhẫn tâm" khi đối xử với ông Neville bằng cách bao che cho chủ khách sạn.
Tại phiên điều trần đầu tiên giữa năm 2007, giải thích việc "lôi" cả Hội đồng địa phương vào vụ việc, ông Neville dẫn lại vụ một thành viên Hội đồng địa phương hỏi mua nhà vào năm 1992. Và chỉ 6 tháng sau, khách sạn đã được khởi công.
Ông cho rằng Hội đồng địa phương hỏi mua căn nhà giúp ông Patrick Doohan. Do ông không muốn bán, họ rắp tâm phá hủy.
Đáp lại, luật sư của ông Patrick Doohan thừa nhận, việc căn nhà view triệu đô bị dỡ bỏ, rõ ràng có lợi cho cảnh quan khách sạn, nhưng không vì thế mà cáo buộc thân chủ vô cớ. Hội đồng địa phương cho rằng căn nhà bị phá hủy do bão và sét đánh, chập điện. Việc khách sạn thuê máy xúc chỉ để dọn dẹp lại hiện trường, không nhân cơ hội phá bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó, nhà thầu xây dựng làm chứng rằng mình được ông Patrick Doohan ra giá 1.000 euro để phá dỡ căn nhà "phiền phức". Song nhà thầu đã từ chối phần việc này, chỉ nhận xây dựng khách sạn. Việc căn nhà bị bão cuốn, hỏa hoạn hay do ai phá dỡ, ông không biết và cũng không suy đoán.
Tốp thợ xây của ông sau đó đã dùng căn nhà làm nơi ăn nghỉ, chứa vật dụng, với sự chấp thuận của bà Mary Meenan, chính là người hàng xóm được ông Neville trả tiền để làm quản gia. Bà Mary một mực phủ nhận lời khai này.
Bị đơn Patrick Doohan không ra mặt ở bất cứ phiên tranh tụng nào.
Sau những phiên điều trần kịch tính, thẩm phán tòa Tối cao Ireland nhận định không có bằng chứng nào cho thấy ông Patrick Doohan hay bất kỳ ai đại diện cho ông đã phóng hỏa nhà ông Neville. Song các bằng chứng hiện trường cho thấy, ngôi nhà đã bị hư hại do hỏa hoạn trước, sau đó mới bị máy xúc đào phá dỡ dần dần trong khoảng một năm.
Thẩm phán quyết định rằng bị đơn được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ngôi nhà bị phá dỡ. Vụ việc được giải quyết theo nguyên tắc "làm giàu bất chính", khi một bên được hưởng lợi về tài chính từ thiệt hại của bên còn lại, và các thiệt hại được xác định "không thể khắc phục". Như trường hợp này, căn nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Trong bản án sơ thẩm tuyên tháng 7/2009, toà án buộc bị đơn Patrick Doohan trả cho ông Neville một ngôi nhà mới hoặc số tiền tương đương.
Ông Neville đưa ra mức 60.000 euro, trong khi phía khách sạn đánh giá chỉ 11.000-12.000 euro. Dựa trên các số liệu, Tòa tuyên mức định giá chính xác là 46.000 euro. Con số sẽ không thay đổi, kể cả khi kháng cáo.
Ông Neville biết, cùng với việc định giá cố định, Tòa đã gián tiếp gửi cho ông thông điệp "không nên kháng cáo". Do đó, ông không kháng cáo. Trả lời báo chí, ông cho rằng thắng lợi của mình chỉ có giá trị an ủi tinh thần. Số tiền toà tuyên chẳng thể mua được 1/5 căn nhà đã mất, ở vị trí đắc địa đó. Những kỷ niệm gia đình ông vun đắp trong căn nhà, không tiền nào đền bù được.
Phía khách sạn không kháng cáo.
Từ năm 2009, khi bản án được tuyên, vụ án và hòn đảo Tory bé nhỏ đã trở nên nổi tiếng. Nó trở thành một trong những vụ kiện tài sản kỳ lạ, độc đáo nhất ở châu Âu, đôi khi được gọi là "Vụ kiện Ngôi nhà bốc hơi".