Sau nhiều năm tích góp, gia đình bà Đăng có một ngôi nhà cấp bốn đang ở và thêm một mảnh đất ở Thái Bình. Đầu năm 2016, ông bà bán mảnh đất được 500 triệu, muốn xây mới nhà 3 tầng giữa khu sân vườn rộng 300 m2. Cả đời mới xây nhà nên bà Đăng, 62 tuổi, quyết tâm làm thật hoành tráng, kiên cố dù chỉ có hai ông bà ở. Cả ba người con đều đã có nhà riêng ở Thái Bình hoặc Hà Nội.
Nhà xây trên mặt bằng khoảng 60 m2 với các loại nguyên vật liệu tốt nên tổng chi phí lên tới một tỷ đồng. Các con cũng đóng góp thêm để bố mẹ làm nhà. Tất cả các chi tiết gỗ trong nhà như cửa ra vào, tay vịn cầu thang... đều được làm bằng gỗ lim, pơ mu... nên giá thành cao. Gia đình còn mua cả bộ sofa gỗ chạm trổ hơn 50 triệu cho phòng khách. Ba phòng ngủ đều có giường gỗ lim trị giá gần chục triệu mỗi chiếc, tủ gỗ đinh hương bốn cánh giá 15 triệu đồng.
Bà Đăng giải thích, xây dựng nhà to đẹp để có chỗ thờ cúng khang trang, phòng tiếp khách bề thế, con cháu cũng sẽ về nhiều hơn khi có nơi ngủ nghỉ thoải mái. Ngoài ra, gia đình cũng được "nở mày nở mặt" với hàng xóm vì con cái hiếu thảo, biếu bố mẹ tiền làm nhà.
Dù vậy, ngôi nhà lại có WC khá nhỏ. Ban đầu, bà Đăng còn định không làm phòng vệ sinh trong nhà vì sợ có mùi. Trước đây, gia đình bố trí bếp nấu và khu vệ sinh xí xổm ở tách biệt bên ngoài, cách nhà chính khoảng 20m. Sau đó, các con thuyết phục ông bà nên làm WC trong nhà tránh ra ngoài đường đêm hôm dễ ngã. Miễn cưỡng làm theo ý con nhưng ông bà cũng chỉ đầu tư tối thiểu với các thiết bị rẻ nhất có thể.
Nhà 3 tầng nhưng ông bà chỉ bố trí 2 WC ở tầng một và hai. Bởi vậy, con cái về nghỉ trên tầng 3 lại phải chạy xuống tầng dưới để đi. WC nhỏ 3 m2 cũng không phân tách khu khô-ướt. Bởi vậy, mỗi khi có người tắm xong, nước lại bắn ướt hết cả sàn nhà, bệ bồn cầu. Bà Đăng phải lụi hụi lau khô để tránh cho người sử dụng sau bị dính nước. Ngoài ra, bồn cầu chất lượng kém nên chỉ cần ai vứt nhiều giấy hơn một chút lại bị tắc. Bà phải đặt thêm thùng rác để vứt giấy vệ sinh.
Cũng giống gia đình bà Đăng, ông Tuấn (Hải Phòng) cũng có ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng 80m2 xây cách đây 3 năm nhưng không đầu tư cho các tiện ích hàng ngày. Gia đình ông chỉ quan tâm xây nhà cao, phòng khách phải ấn tượng với đồ đạc đắt tiền. Ông là trưởng họ nên dịp Tết, giỗ, đại gia đình tập trung rất đông. Bởi vậy, ông làm phòng khách liên thông với phòng ăn rộng thênh thang để kê được nhiều bàn ăn nhất khi cần. Trong nhà có đủ loại đồ điện tử đắt tiền như tivi màn hình rộng 30 triệu kết nối được mạng, đầu hát karaoke để con cháu có thể tụ tập ca hát.
Riêng khu bếp, ông bà đầu tư rất sơ sài với các giá kệ đơn giản. Tổng chi phí cho tủ bếp, chậu rửa, vòi nước, mặt đá cũng chưa bằng chiếc tivi. Bởi vậy, mới được vài năm, khu nấu nướng đã rất ọp ẹp, các vách tủ gỗ công nghiệp bị bong, thỉnh thoảng lại thấy bột gỗ rơi xuống phía dưới. Diện tích bếp chật chội, chậu rửa bát khá nhỏ nên khi nấu vướng víu. Tủ bếp không được thiết kế hợp lý nên có những ngăn bỏ không mà vẫn thiếu chỗ để đồ. Dịp tụ họp đông người, con ông phải đem thịt cá, rau củ ra ngoài sân để chế biến.
KTS Ngọc Anh cho biết, hiện ở các tỉnh và thành phố nhỏ, vẫn có nhiều gia đình giữ tư tưởng xây dựng nhà thật to, đầu tư phòng khách tốn kém để lấy tiếng. Trong khi đó, bếp, WC là những nơi hay được sử dụng nhiều thì có chi phí đầu tư thấp nên nhanh chóng xuống cấp và phải thay mới.
Kiến trúc sư khuyên, các gia đình nên thay đổi tư tưởng "xây nhà vì người khác" mà hãy "làm nơi ở cho mình". Ngôi nhà chỉ cần có số tầng, số phòng vừa đủ, các thiết bị điện tử không nên quá đắt tiền, đồ nội thất rời như tủ quần áo, bàn ghế, giường không nên cầu kỳ, rườm rà. Ngược lại, nên ưu tiên cho bếp, WC bởi đó là nơi có tần suất sử dụng cao. Các khu chức năng này nhất thiết phải có diện tích rộng, đầu tư các thiết bị chất lượng. Bởi việc sửa chữa, thay mới các chi tiết ở hai khu vực này mệt mỏi hơn nhiều so với mua sắm bàn ghế, tủ giường.
An Yên
Chia sẻ kinh nghiệm xây sửa nhà của bạn tại đây.