Tay xách 2 con gà còn sống, một người bán hàng cho biết, đây là gà thả vườn trong nhà, bảo đảm thịt chắc và không bị bệnh. Khi được hỏi muốn mua số lượng nhiều, người bán sốt sắng: "Chờ một lát, trong nhà còn vài chục con nữa".
Gà đã giết mổ được bày lộn xộn cả trong bịch nilon (được xem như đã kiểm dịch) lẫn bên ngoài. Không phân biệt kiểm dịch hay chưa, nếu mua gà công nghiệp thì giá 20.000 đồng/kg, thịt gà giống Tam Hoàng thả vườn là 30.000 đồng/kg.
Tại ranh giới giữa quận 8 và Bình Chánh trên quốc lộ 50 là hàng chục cơ sở cung cấp và giết mổ gia cầm, thủy cầm. Tiếng gà, vịt của các cơ sở trên kêu inh ỏi, thậm chí họ còn nhốt gà ra ngay phía trước nhà. Chủ cơ sở giết mổ gia cầm Út Nhi, số A1/8 ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết, gia cầm ở đây đều là giống của công ty chăn nuôi C.P đã qua kiểm dịch đàng hoàng nên cứ để vậy, không sợ bị lây. Trước đây mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 700 con, nhưng hiện chỉ còn 200 con/ngày. Khi được hỏi về vấn đề an toàn trong dịch cúm và UBND TP HCM đã có lệnh không giết mổ, kinh doanh gia cầm sống vào giữa tháng 11, chủ cơ sở cho biết: "Điều này chỉ làm người dân hoang mang, không dám ăn thịt gà nữa, chứ không có gì hết!".
Gà được bán tại chợ "chồm hổm" ven quốc lộ 50, huyện Bình Chánh sáng 2/11. |
Trong hẻm số 399, bên hông bến xe quận 8, Quốc lộ 50, cũng có một xóm chuyên giết mổ gia cầm với điều kiện vệ sinh và an toàn và phòng dịch rất kém. Mới 6h sáng, thịt gà đã giết mổ bày khắp nơi trên nền nhà cùng với lông và nước thải, ngoài ra còn chất đầy trên bàn đặt ngoài hẻm.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm TP HCM, khu vực giáp ranh giữa quận 8 và Bình Chánh là 1 trong 2 điểm đáng lo ngại nhất về kinh doanh và giết mổ lậu gia cầm. Vừa qua, Ban chỉ đạo thành phố đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quận 8 và huyện Bình Chánh có biện pháp xử lý triệt để các hộ kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn đặc biệt là các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm thuộc hẻm 399.
Tại địa bàn huyện Hóc Môn, cửa ngõ phía Tây của TP HCM, việc buôn bán gia cầm không "sầm uất" như tại quận 8 và Bình Chánh. Nhưng ở đây lại tập trung khá đông các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và buôn bán chim cảnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã nhiều lần tiến hành kiểm tra các hộ chăn nuôi này. Nhưng khi đoàn kiểm tra vào hộ ông Lê Văn Tiến ở ấp 4, xã Xuân Thới Thượng hôm 2/11, thì trên 200 con vịt đã được chuyển bằng ba gác và xe gắn máy sang huyện Đức Huệ, Long An từ 15h chiều 1/11. Theo ông Tiến, gia đình ông không hề biết thành phố đã cấm nuôi vịt. Vì vậy, ông đã 2 lần xuống Long An mua giống về nuôi, đến nay đã được hơn 50 ngày. "Lứa đầu đã được 2,5 kg và lứa sau nặng gần 1 kg. Lứa vịt này gia đình đã bị lỗ gần 7 triệu đồng", ông nói. Mặc dù vận chuyển gia cầm trái phép bằng xe ba gác nhưng ông Tiến cho hay, suốt đường đi không thấy ai hỏi han gì.
Theo Sở Nông nghiệp TP HCM, đàn gia cầm của thành phố hiện có khoảng 730.000 con. Thống kê chưa đầy đủ, hiện có 2 điểm nóng về tình trạng buôn bán trái phép gia cầm và 15 điểm kinh doanh gia cầm hoạt động lén lút. Ngoài ra vẫn còn rải rác các điểm giết mổ gia cầm trái phép tại các khu vực các quận ven nội và ngoại thành. Thêm vào đó, còn hàng chục nghìn hộ gia đình nuôi gia cầm nhỏ lẻ khác.
Việt Hòa