Ngày 6/2, một số ngan, gà của hộ gia đình ông Hồ Hữu Thắng và bà Hồ Thị Tình, trú xóm Phú Hồng, xã Quỳnh Hồng bất ngờ bị chết. Cơ quan thú y lẫy mẫu xét nghiệm và xác định gia cầm tại đây mắc cúm A/H5N6 do chưa được tiêm phòng vắc xin.
Hôm sau, toàn bộ 148 con gà, ngan với trọng lượng khoảng 4 tạ của cả hai hộ gia đình này được cơ quan chức năng tiêu hủy. Cán bộ thú y cũng phun thuốc khử trùng để bao vây ổ dịch, yêu cầu hai hộ không được tái đàn cho tới khi cơ quan chức năng đồng ý.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm phải thực hiện tốt việc tiêm phòng cúm gia cầm. Mua giống gia cầm phải biết rõ nguồn gốc, đồng thời thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng các khu chăn nuôi.
Ngày 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công điện khẩn gửi các địa phương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Bộ cho biết, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con. Hiện tại, một ổ dịch cúm A/H5N6 được phát hiện tại Quảng Ninh cũng chưa qua 30 ngày.
Nghệ An có tổng đàn gia cầm hàng chục triệu con. Năm 2018, tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) từng xuất hiện cúm A/H5N6 buộc phải tiêu hủy hơn 2.400 con vịt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao đã ghi nhận người mắc và tử vong ở Trung Quốc. Tuy nhiên chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người. Để chủ động phòng, chống, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu gia cầm...