![]() |
Gà "lành" chạy vào vùng dịch... |
Ông Thông cho biết, trước tình trạng thị trường thịt gia cầm gần như đóng băng, người dân ở những nơi khác cũng đang có xu hướng như vậy. Các tỉnh miền Trung đang lúng túng với tình huống này, vì văn bản chỉ đạo của Chính phủ chỉ đề cập tới việc hỗ trợ tiêu hủy đối với người chăn nuôi trong vùng dịch. Một số địa phương sáng nay đã có ý kiến với Cục Thú y về việc các hộ chăn nuôi ở vùng không có dịch cũng muốn được hỗ trợ để tiêu hủy gia cầm.
Tình huống trên cũng có thể xảy ra ở miền Bắc khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội đã ngừng mua bán, vận chuyển gia cầm. Các chợ ở Hà Nội gần như vắng bóng gà, ngan, vịt..., chỉ còn vài hộ ở chợ Long Biên bán nốt số hàng còn lại, song họ đều khẳng định sẽ ngừng kinh doanh. Chị Khoa, sau 25 năm liên tục kinh doanh các món ăn từ ngan trên phố Hai Bà Trưng, hôm nay đã quyết định cho gần 30 nhân viên nghỉ việc vì không có khách và cũng không có nguồn hàng.
Để giải quyết tình trạng gà sạch chạy sang vùng dịch, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh cho rằng, chính quyền địa phương nên tự xem xét chính sách hợp lý, có thể trích từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân muốn tiêu hủy gia cầm dù không có dịch. Số gia cầm của những hộ tự nguyện tiêu hủy mà không đòi đền bù cũng được ghi chép cẩn thận, để trong trường hợp Chính phủ ra quyết định hỗ trợ, thì họ không bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, theo một quan chức của ngành thú y, tình hình sẽ phức tạp nếu người chăn nuôi ở địa phương có mức hỗ trợ tiêu huỷ thấp vận chuyển gia cầm đến nơi có mức cao hơn. Việc này sẽ làm dịch phát triển nhanh chóng.
Chiều nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lập tờ trình Chính phủ về các giải pháp đặc biệt nhằm bảo vệ nguồn gà giống của Việt Nam. Theo đó, trong vòng bán kính 1.000 mét xung quanh 12 trại gà giống của Viện chăn nuôi sẽ lập vùng đệm, vùng trắng. Tại các vùng trắng, toàn bộ gia cầm sẽ bị tiêu huỷ. Mức hỗ trợ cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi là 15.000 đồng/con. Tại các vùng đệm, sẽ tiêu huỷ tất cả gia cầm ở những nơi có dịch.
Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang, trong trường hợp xấu nhất phải tiêu huỷ đàn gia cầm hơn 250 triệu con sẽ phải cần 80.000 gia cầm thuần chủng để nhân giống. Hiện nay, cả nước còn hơn 40.000 con gia cầm giống tại các trang trại của Viện Chăn nuôi. Ngoài ra, còn có 7 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gà giống. Nếu gia cầm tại những trang trại này mắc bệnh, Việt Nam sẽ mất nguồn gia cầm thuần chủng. Ông Vang cũng cho biết, để khôi phục đàn gia cầm phải chờ 5-7 tháng sau khi dịch bệnh bị dập tắt.
Đến chiều nay đã có 53 tỉnh, thành có dịch cúm gà (26 tỉnh phía Bắc và 27 tỉnh phía Nam) với hơn 8,6 triệu gia cầm mắc bệnh. 5 tỉnh mới phát hiện có dịch là Điện Biên, Lào Cai, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Kon Tum. Số gia cầm bệnh bị tiêu huỷ thêm trong ngày hôm nay là 1,3 triệu con. Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Thú y Đậu Ngọc Hào, mới chỉ có 28/53 tỉnh công bố dịch.
Mặc dù Chính phủ đã có biện pháp hỗ trợ cho người tiêu huỷ gia cầm 6.000 đồng/con, công tác tiêu hủy tại nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế. Ông Hào cho biết, trang phục phòng dịch đang thiếu nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Nông lương thế giới (FAO) hứa sẽ giúp Việt Nam 3.000 bộ áo phòng dịch. Nhưng lượng quần áo này chưa đến Việt Nam và nếu có cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.
Thiên Đức - Việt Anh