Hợp đồng cacao giao hàng tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay 10.080 USD mỗi tấn vào hôm qua, trước khi kết thúc ngày giảm 0,3% xuống mức 9.622 USD. Trong một năm, giá cacao đã tăng hơn gấp ba lần và tăng 129% kể từ đầu năm 2024.
Mặc dù các công ty socola lớn đã phòng ngừa rủi ro và không lập tức chuyển chi phí giá đầu vào cao sang người tiêu dùng, ngành này chỉ có thể giữ cân bằng tạm thời với việc giảm chi phí, theo Paul Joules, nhà phân tích hàng hóa tại Rabobank.
Michele Buck, Giám đốc điều hành Hershey, nói với CNBC rằng công ty có chiến lược phòng ngừa rủi ro để quản lý sự biến động giá cả. Hiệp hội Bánh kẹo Mỹ cho biết đang làm việc với các nhà bán lẻ để "quản lý chi phí" và giữ socola ở mức giá phải chăng cho người tiêu dùng.
"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến", Joules nói. Giá cacao có thể vẫn tăng trong thời gian tới vì không có cách khắc phục nào đối với các vấn đề mang tính hệ thống mà thị trường đang phải đối mặt.
Steve Wateridge, một chuyên gia thế giới về cacao, nói với Reuters rằng "thị trường cần cắt giảm nhu cầu lớn để bắt kịp với sự sụt giảm nguồn cung".
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cacao lớn nhất trong hơn sáu thập kỷ và người tiêu dùng được dự báo có thể thấy tác động từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. Tổ chức cacao quốc tế dự báo nguồn cung thiếu hụt khoảng 374.000 tấn cho niên vụ 2023-2024, gấp 5 lần so với mức thâm hụt 74.000 tấn trong niên vụ trước.
Gián đoạn ở các quốc gia sản xuất chính là Bờ Biển Ngà và Ghana - hai nước này chiếm khoảng 60% sản lượng cacao toàn cầu, cùng dịch bệnh và El Nino khiến sản lượng thiếu hụt trầm trọng. Nông dân ở Bờ Biển Ngà đang ngừng sản xuất cacao để chuyển sang trồng các loại cây sinh lợi hơn như cao su.
Ngoài ra, sự tăng giá gần đây cũng có thể là do sự hoảng loạn của một số nhà thu mua thương mại, hơn là do đầu cơ trên thị trường. Theo nhà phân tích, người mua nhìn thấy mức độ thâm hụt nguồn cung và đang cố gắng tích trữ thêm cacao.
Sự tăng giá đã làm chệch hướng cơ chế thương mại lâu đời của cacao. Trong giai đoạn bình thường, người nông dân sẽ bán hạt cacao thu hoạch được cho các đại lý địa phương, những người này bán lại cho các nhà máy chế biến hoặc thương nhân toàn cầu. Những thương nhân này bán hạt hoặc các sản phẩm qua sơ chế cho những gã khổng lồ socola toàn cầu như Nestle, Hershey hay Mondelez.
Thị trường này cũng được quản lý về giá chặt chẽ, khi thương nhân và nhà chế biến mua cacao từ các đại lý địa phương trước tối đa một năm với mức giá thỏa thuận trước.
Tuy nhiên, trong thời điểm thiếu hụt như năm nay, mọi thứ đã đảo lộn. Các đại lý địa phương thường trả cho nông dân một khoản phí bảo hiểm so với giá tại trang trại để có quyền mua cacao. Sau đó, các đại lý bán trên thị trường giao ngay với giá cao hơn thay vì giao chúng theo giá thỏa thuận trước.
Khi các thương nhân toàn cầu đổ xô mua cacao bằng bất cứ giá nào để đáp ứng nghĩa vụ của họ với các công ty socola, các nhà chế biến địa phương rơi vào cảnh thiếu nguồn cung.
Chính quyền Bờ Biển Ngà và Ghana thường cố gắng bảo vệ các nhà máy địa phương bằng cách cấp cho họ những khoản vay ưu đãi hoặc hạn chế lượng cocao mà các nhà kinh doanh toàn cầu có thể mua. Tuy nhiên, năm nay, các nhà máy không nhận được cacao đặt hàng trước và cũng không đủ khả năng mua với giá giao ngay cao hơn.
Người tiêu dùng có thể bắt đầu thấy tác động của việc cacao tăng giá. Theo Joules, khách hàng có thể phải đối mặt với mức giá cao hơn hoặc "lạm phát thu nhỏ", dưới dạng những thanh socola bé hơn. Các công ty cũng có thể điều chỉnh nguyên liệu để sử dụng ít cacao hơn trong một số sản phẩm. Nhà phân tích cho biết cú sốc tồi tệ nhất sẽ đến từ socola đen, loại có hàm lượng cacao cao nhất.
David Branch, Giám đốc khu vực tại Viện thực phẩm nông nghiệp Wells Fargo, cho rằng người tiêu dùng có thể thấy giá cao hơn ngay sau Lễ Phục sinh vào cuối tuần này.
"Do giá cacao và các chi phí sản xuất khác đã tăng đều đặn trong năm qua, nên có khả năng người tiêu dùng sẽ thấy giá kẹo socola tăng đột biến", Branch nói.
Minh Sơn (theo Reuters, CNBC)